Tình người trong biển lửa
Những ngày rừng Hà Tĩnh chìm trong biển lửa, hàng ngàn người đã được huy động về Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Đức Thọ… gồng mình chiến đấu với 'giặc lửa'. Người 'chiến đấu' trực tiếp, người lo lắng thức ăn, nước uống tiếp tế cho các lực lượng. Họ đến theo mệnh lệnh, bằng trách nhiệm và cả trái tim đau đáu vì cộng đồng…
Chưa bao giờ Hà Tĩnh phải chịu nỗi đau mất rừng như mấy ngày qua.
Chưa bao giờ rừng Hà Tĩnh lại phải trải qua nỗi kinh hoàng như thế. Liên tiếp trong 3 ngày, lửa rừng hung hãn nhấn chìm hàng trăm ha rừng phòng hộ trong biển lửa. Nghi Xuân, Cẩm Xuyên rồi Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ, Kỳ Anh, rừng liên tục kêu cứu...
Ba ngày quăng quật, “cõng” nước dập lửa, cắt rừng ngăn không cho lửa lan rộng, thế nhưng đám cháy dập được chỗ này lại bùng lên chỗ khác. Gió Lào nóng rát cứ thổi, quần áo, mặt mũi của mọi người ướt sũng, lem luốc. Họ vẫn luôn động viên nhau, chia nhau từng miếng bánh, gói xôi đã nguội lạnh trộn lẫn mùi khói.
Hàng nghìn người đã được huy động ứng cứu.
"Nhà báo cầm chai nước cầm hơi, chắc cuộc chiến còn vất vả lắm. Đi trong rừng không thiếu nước được đâu". Đang cố gắng bấu víu vào mấy thân cây để trèo lên phía khu vực có cháy thì tôi nghe tiếng của một chiến sỹ đặc công. Đón lấy chai nước từ anh, tôi chưa kịp nói lời cảm ơn thì anh đã phải quay trở lại với việc thổi khí vào các đám cháy đang bén lửa.
Ở Nghi Xuân này, lúc cao nhất lực lượng lên đến cả nghìn người, từ kiểm lâm, chủ rừng, công an, quân sự, dân quân tự vệ. Họ cùng nhau "chiến đấu" với ngọn lửa, cùng nhau chia sớt vất vả và cùng lo lắng cho nhau như một gia đình.
Trong hoạn nạn, trách nhiệm của mỗi người lại tăng cao hơn bao giờ hết.
Đây cũng là lúc, tình người cao hơn tất thảy. Có khoảng 2.000 lượt người dân từ các nơi đổ về hỗ trợ các lực lượng chức năng dập lửa. Chẳng hạn như ông Đậu Văn Tiến (thôn 8, Xuân Phổ) là người miền biển, nhưng khi nhận được tin báo, ông có mặt ngay hiện trường, cùng các lực lượng lăn xả cắt rừng, tạo đường băng cản lửa. Đó là những chuyến hàng tình nguyện của dân cư ven rừng, chẳng ai bảo ai, nào nước uống, bánh mì vượt núi để tiếp tế cho các lực lượng đang ứng cứu trực tiếp.
Nhiều cá nhân, đơn vị đã tình nguyện cung cấp đồ ăn, thức uống cho lực lượng chữa cháy.
Ông Nguyễn Giáo Sự (Tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An) cho biết: “Các chiến sỹ hết lo cho rừng, lại lo cho dân. Khi rừng bị uy hiếp, bộ đội, công an và lực lượng địa phương giúp chúng tôi di dời đồ đạc, một chút tinh thần nhỏ là cốc nước, cái bánh mì có là gì”. Cứ ngày vài lần, gia đình ông lại vác nước lên các điểm trực “tiếp sức” cho mọi người.
Từ lúc bắt đầu cháy rừng xảy ra, lực lượng ĐVTN đã xung kích ở tất cả các mặt trận. Từ Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên.., ĐVTN ở 13 huyện, thị xã, thành phố được huy động, cùng các lực lượng phát quang cây cối, làm đường băng cản lửa cứu rừng. Ở nhánh khác, các bạn không quản đường rừng cách trở, leo bộ 2 - 3 km đường giữa đêm tối để vận chuyển gần 1.000 suất cơm, hàng chục thùng nước uống lên các vùng ứng trực.
Bữa cơm vất vả mà chan chứa nghĩa tình
Chiến sỹ Trần Hữu Linh - Trung đoàn D31, Quân khu 4, cho biết: “Chúng tôi di chuyển liên tục, ứng cứu từ Nghi Xuân đến Hương Sơn. Dù mệt mỏi nhưng những tình cảm, sự quan tâm của nhân dân, không quản khó khăn tiếp tế thực phẩm khiến chúng tôi ấm lòng”.
Những ngày qua, cũng là thời điểm cả nước một lòng hướng về Hà Tĩnh. Xót ruột, đớn đau khi những cánh rừng lần lượt ngã xuống vì ngọn lửa hung tàn. Họ cầu trời để có trận mưa lớn. Và, có những người thực hiện bằng hành động thực tế. Ông Lê Văn Hồng là chủ nhà hàng ăn uống tại Thành phố Vinh (Nghệ An), nghe rừng bị cháy lớn, vợ chồng ông bỏ hết công việc, về Hà Tĩnh tiếp tế thực phẩm. Cứ đến giờ điểm tâm, chuyến xe tải của nhà hàng Minh Hồng nào cơm, canh, nước uống lại vượt cầu Bến Thủy vào Hà Tĩnh. Trong hai ngày, nhà hàng đã cung cấp 1.000 suất cơm miễn phí, nước uống và nhu yếu phẩm khác cho các lực lượng ứng cứu tại Nghi Xuân.
Hành động cao đẹp của Nhà hàng Minh Hồng đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khen thưởng
Ông Lê Văn Hồng - chủ nhà hàng Minh Hồng cho hay: “Rừng là của chung, là lá phổi của con người. Thế nên chúng tôi không thể dửng dưng đứng nhìn bà con, các chiến sỹ công an, bộ đội, kiểm lâm, DQTV đang trằn mình nơi biển lửa. Chúng tôi muốn góp một phần công sức để chia sẻ, đồng cam cộng khổ với mọi người”.
Còn anh Phan Hồng Sơn ở khối phố 7, Cửa Nam (TP Vinh) là một lao động bốc vác ở Chợ Vinh, mấy ngày cháy lớn ở Hà Tĩnh, anh chẳng thể chú tâm vào việc chính của mình. “Cháy to nóng ruột quá, của ít lòng nhiều, tôi cùng người dân ở đây vác nước lên cho các chiến sỹ đang chữa cháy trên đỉnh núi, mong sao họ đủ sức khỏe, đủ can trường”.
Anh Phan Hồng Sơn bỏ công việc cửu vạn để tiếp sức cho công tác chữa cháy
Những tình cảm, tấm lòng tiếp tục được lan tỏa và hướng về những cánh rừng ở Hà Tĩnh. Một bạn đọc giấu tên tại Thụy Sỹ (quê quán xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) đã kết nối với Báo Hà Tĩnh gửi tặng 12 triệu đồng cho UBND xã Xuân Hồng. Cùng với đó, qua các kênh của các địa phương, đến nay, đã có rất nhiều đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ lực lượng chữa cháy và khắc phục hậu quả sau cháy.
Những tình cảm vẫn hướng về Hà Tĩnh
Lời cầu nguyện cho cánh rừng Hà Tĩnh phải chăng đã thấu trời xanh. Hà Tĩnh đang trở lại dịu mát sau những ngày cam go với giặc lửa. Khi biến cố đi qua, đau thương theo thời gian sẽ lắng xuống, nhưng điều còn mãi chính là tình người. Và trong những ngày qua, đã rạng ngời trong biển lửa.
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/tinh-nguoi-trong-bien-lua/175188.htm