Tình nguyện trồng người trên đất bạn Lào

Yêu nghề, mến trẻ, 10 giáo viên Quảng Trị vừa tình nguyện sang tỉnh Savannakhet, Lào giảng dạy cho con em kiều bào và học sinh nước bạn. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với cô TRẦN THỊ THANH HUYỀN, hiện giảng dạy tại Trường Phổ thông Hữu nghị Lào - Việt, một trong những giáo viên trẻ có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người bên kia bên giới.

- Chào cô giáo Thanh Huyền! Đề nghị cô giới thiệu với độc giả Báo Quảng Trị đôi nét về bản thân?

- Tôi tên là Trần Thị Thanh Huyền, sinh năm 1993, quê ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, tôi tình nguyện sang Savannakhet giảng dạy bộ môn Âm nhạc. Hiện tại, tôi là giáo viên của Trường Phổ thông Hữu nghị Lào - Việt và là trưởng đoàn giáo viên Quảng Trị sang Lào công tác. Niềm vui mỗi ngày của tôi là được mang tiếng hát, điệu múa thuần Việt đến với học sinh trên đất bạn Lào.

- Cơ duyên nào đưa cô đến Savannakhet và giảng dạy học sinh ở đây?

- Qua các phương tiện truyền thông, tôi biết tin Sở GD&ĐT tỉnh tuyển dụng giáo viên Âm nhạc sang Lào giảng dạy. Sau khi suy nghĩ kĩ và tham khảo ý kiến của người thân, tôi đã tự nguyện viết đơn gửi lãnh đạo sở. Đối với tôi, việc trở thành giáo viên Trường Phổ thông Hữu nghị Lào - Việt là cái duyên. Vì thế, tôi luôn dành hết sức trẻ, lòng nhiệt huyết cho công việc, trường lớp, học sinh.

- Buổi đầu giảng dạy ở nước bạn, cô gặp khó khăn, thử thách gì?

- Cũng như những giáo viên tình nguyện khác, buổi đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Trước tiên là nỗi nhớ quê nhà. Một tuần lễ liền, mỗi lần nhìn trời đổ mưa, tôi lại khóc vì nhớ quê hương, gia đình. Ở trường, một số học sinh và phụ huynh của tôi chưa sành sỏi tiếng Việt nên việc giao tiếp gặp nhiều trở ngại. Chính sự động viên của bố mẹ, người thân và những giáo viên sang Lào giảng dạy khác, đặc biệt là bạn cùng phòng Đậu Thị Lệ Hải đã giúp tôi vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu. Tôi cũng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các giáo viên Lào công tác dưới một mái trường và Hội Người Việt Nam tỉnh Savannakhet.

- Cô có thể chia sẻ về công việc hằng ngày của mình?

- Là một giáo viên âm nhạc, hằng ngày, tôi chắp cánh cho lời ca, tiếng hát của học sinh. Tôi luôn cố gắng gieo tình yêu bài hát Việt, đặc biệt là Quốc ca và những nhạc khúc truyền thống cho các bạn nhỏ. Công việc tưởng chừng đơn giản ấy lại không hề dễ dàng bởi nhiều học sinh ở đây nói tiếng Việt chưa tròn vành, rõ chữ. Vì thế, tôi mất khá nhiều thời gian để dạy hát. Trong khi đó, sách âm nhạc dành riêng cho học sinh Việt Nam ở nước ngoài lại không có nên tôi phải tự tìm tòi, thiết kế bài giảng, lựa chọn những ca khúc phù hợp. Tôi thường chọn những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình hữu nghị Việt - Lào để tập cho học sinh. Nhiều khi tập cho học trò hát xong, tôi nói không ra tiếng. Thế nhưng, mọi mệt mỏi tan biến khi tôi nhìn thấy nụ cười và nghe tiếng hát của các em.

 Cô Thanh Huyền chụp ảnh lưu niệm với học sinh. Ảnh: NVCC

Cô Thanh Huyền chụp ảnh lưu niệm với học sinh. Ảnh: NVCC

- Mong cô chia sẻ về những kỉ niệm vui buồn trong những tháng ngày gắn bó với công việc trồng người ở nước bạn Lào?

- Ba năm trồng người trên đất bạn Lào, tôi có rất nhiều kỉ niệm. Đối với tôi, không gì hạnh phúc hơn khi mỗi sáng mai, trong buổi sinh hoạt đầu giờ lại nghe học trò hát những bài mình đã dạy. Trong quá trình dạy những bài hát, điệu múa truyền thống hay dàn dựng các tiết mục biểu diễn văn nghệ, tôi chú ý giới thiệu với học sinh những thứ rất thân thuộc, thuần Việt như: nón lá, áo dài, trống cơm… Từ sâu thẳm, tôi mong muốn các em biết sâu hơn về nguồn cội của mình. Cách đây không lâu, trong dịp kỉ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi quyết định dạy cho học sinh nhảy sạp. Lúc đầu, người gõ nhịp và người nhảy sạp chưa quen nên chân cả cô lẫn trò đỏ tấy, sau khi quen rồi, em nào cũng thích. Nhìn học trò vui vẻ nhảy sạp, lòng tôi thấy lâng lâng. Thế đấy, ở đây, có những thứ tưởng chừng rất đơn giản nhưng sẽ khó làm được nếu thiếu sự tâm huyết, kiên trì, nỗ lực và đặc biệt là tình yêu thương. Những kỉ niệm đẹp của tôi còn gắn liền với Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tôi nhận được rất nhiều lời chúc, món quà nhỏ từ phụ huynh, học sinh. Có em dành tặng tôi bức tranh chân dung cô giáo âm nhạc mà mình yêu mến. Nhìn nét vẻ mộc mạc, có phần vụng, tôi thấy cay cay khóe mắt.

- Phải chăng chính những kỉ niệm ấy đã thôi thúc cô tiếp tục tình nguyện sang Lào giảng dạy sau 3 năm trồng người trên đất bạn?

- Thông thường, Sở GD&ĐT Quảng Trị sẽ ưu tiên xét tuyển đặc cách cho giáo viên từng có 3 năm tình nguyện sang Lào giảng dạy về công tác tại quê nhà. Có cơ hội ấy nhưng tôi quyết định tạm gác và xin ở lại Lào một năm nữa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này. Sau 3 năm giảng dạy ở Trường Phổ thông Hữu nghị Lào - Việt, tôi có quá nhiều kỉ niệm đẹp. Biết cô chuẩn bị về nước, nhiều học trò của tôi rất buồn. Ngày tổng kết năm học, cô trò ôm nhau trên sân khấu mà khóc. Thú thật, khi về Quảng Trị, tôi nhớ trường lớp, nhớ học sinh đến mức sụt cân. Một câu chuyện khác là trước khi chia tay, lãnh đạo Hội Người Việt Nam tỉnh Savannakhet có đề nghị tôi ở lại để giúp đỡ trường và hội thêm một năm nữa. Năm học 2019 - 2020, Trường Phổ thông Hữu nghị Lào - Việt sẽ khánh thành cơ sở mới với cả ba cấp học nên cần những giáo viên tâm huyết, có chuyên môn để chung sức vượt qua khó khăn ban đầu. Chính sự thúc giục của trái tim và những lời động viên từ những người thân yêu đã đưa tôi quay lại Lào.

- Hiện nay, giáo viên Quảng Trị sang Lào giảng dạy và học sinh của các cô đang gặp những khó khăn gì?

- Khó khăn thì còn rất nhiều nhưng chúng tôi đều nỗ lực khắc phục, vượt qua. Vì điều kiện kinh tế không cho phép nên hầu hết giáo viên sang Lào giảng dạy đều mua các nhu yếu phẩm cần thiết ở Việt Nam mang qua. Dù việc vận chuyển khá khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng đưa thêm trang phục, đạo cụ, sách vở… phục vụ cho việc dạy, học và biểu diễn văn nghệ sang cho trường cũng như các em học sinh. Năm học mới này, có 2 giáo viên mới lần đầu sang Lào giảng dạy. Còn bỡ ngỡ với ngôn ngữ, văn hóa, cách giảng dạy nên các cô giáo mới không tránh khỏi lo lắng. Tôi đã động viên rằng, những chông chênh ngày đầu sẽ qua bởi chắc chắn hai cô sẽ nhận được sự quan tâm của đồng nghiệp, đặc biệt là giáo viên Quảng Trị tình nguyện sang Lào giảng dạy và Hội Người Việt Nam tỉnh Savannakhet. Hiện nay, ở trường chúng tôi giảng dạy, ngoài con em kiều bào còn có cả các bạn nhỏ người Lào nên việc giảng dạy, giúp tất cả học sinh đọc thông, viết thạo tiếng Việt cũng là một thử thách không nhỏ. Trong năm học mới này, Trường Phổ thông Hữu nghị Lào - Việt vừa triển khai đào tạo học sinh ở ba cấp nên sách giáo khoa phục vụ cho công tác dạy và học đang thiếu. Đó là nỗi lo lắng lớn nhất của tôi cũng như các giáo viên khác hiện tại.

- Mong cô chia sẻ về những mong ước và dự định của mình trong thời gian tới?

- Tôi mong ước học sinh của mình luôn chăm ngoan, học giỏi, đặc biệt là thông thạo tiếng Việt và có thể hát thật hay những nhạc khúc mà cô Thanh Huyền từng dạy. Từ mái trường, mong sao các em sẽ lớn khôn, trở thành người có ích, thực hiện được ước mơ. Về phần mình, tôi sẽ nỗ lực hết sức để cống hiến cho nhà trường, học sinh và Hội Người Việt Nam tỉnh Savannakhet. Sau này, khi trường đi vào hoạt động ổn định, tôi sẽ trở lại Việt Nam. Lúc ấy, hi vọng lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT sẽ quan tâm, tạo cơ hội để tôi tiếp tục gắn bó với công việc trồng người trên chính quê hương mình. Một điều chắc chắn là dù đi đâu, về đâu, hình ảnh về mảnh đất Savannakhet, mái trường Phổ thông Hữu nghị Lào - Việt, đồng nghiệp, những người thân yêu và đặc biệt là các em học sinh sẽ luôn in sâu trong trái tim tôi.

- Xin cảm ơn cô!

Quang Hiệp (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142298