Tình nguyện viên hỗ trợ phòng chống COVID-19, cách nào để hiệu quả nhất?
Trao đổi về kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19, nhiều đại biểu đã chia sẻ việc chủ động xây dựng lực lượng tình nguyện viên tại chỗ để đảm nhận các nhiệm vụ; huy động lực lượng vận tải và kết nối với ngành y tế, công an để ưu tiên test nhanh, tiêm vắc xin...
Ảnh: Giang Thanh
Ngày 21/7, T.Ư Đoàn tổ chức “Hội nghị trao đổi kinh nghiệm phát huy vai trò của ĐTN trong phòng chống dịch COVID-19” theo hình thức trực tuyến, với 63 điểm cầu các tỉnh, thành đoàn trên toàn quốc. Anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn chủ trì.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận ba nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương; đề xuất hỗ trợ phục vụ công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do dịch bệnh COVID-19 cho đoàn viên, thanh niên và người dân; chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai các hoạt động kết nối, vận động nguồn lực hỗ trợ các tỉnh, thành đoàn khác trong công tác phòng chống dịch.
Xây dựng đội xe vận chuyển
Anh Thân Trung Kiên - Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang cho biết, Bắc Giang từng là điểm nóng của dịch bệnh, đến nay đã vượt qua và đang trở về trạng thái bình thường mới. Tổ chức Đoàn đã vào cuộc quyết liệt trên tất cả mặt trận.
Việc huy động nguồn lực sử dụng mạng xã hội để kêu gọi, nên đã phát huy sức mạnh toàn dân, có những lúc huy động được 300 người vào việc xây dựng lắp ráp giường bệnh cho bệnh viện dã chiến.
Anh Kiên cho biết thêm, để việc vận chuyển trong vùng dịch được thông suốt, tổ chức Đoàn đã phát huy đội xe vận chuyển hàng hóa miễn phí. “Đội hình này được test thường xuyên và ưu tiên tiêm vắc xin, Sở Y tế cấp giấy di chuyển để thông chốt. Nhờ có đội hình này mà việc tiêu thụ nông sản, vận chuyển không gặp khó khăn”, anh Kiên cho biết.
Anh Nguyễn Hồng Sáng - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hải Dương cho biết: Trong thời gian cao điểm dịch đã thành lập hàng trăm chốt cấp xã, huyện, tỉnh và huy động hơn 2.000 đoàn viên thanh niên tham gia. Đặc biệt huy động lực lượng sinh viên, y bác sỹ trẻ làm xương sống tham gia chống dịch tại những điểm nóng như khu cách ly, vùng dịch.
Anh Sáng cũng cho rằng tổ chức Đoàn phải tham gia vào ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã để đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong triển khai nhiệm vụ.
Còn anh Nguyễn Đức Tiến - Phó bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch HLHTN TP Hà Nội cho biết, Thành Đoàn đã tổ chức kết nối câu lạc bộ xe bán tải địa hình Việt Nam để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa đến các điểm cách ly và vận chuyển nhu yếu phẩm cho các vùng dịch.
Theo anh Tiến, để đảm bảo cho đội hình xe này đi đến nơi về đến chốn và không bị cách ly sau khi về từ vùng dịch thì Thành Đoàn phải làm việc trước với các chốt kiểm soát; có tổ công tác với đại diện ngành giao thông, Sở Y tế, để thống nhất phương án và mời lực lượng CSGT đến hướng dẫn, nên rất hiệu quả.
"ATM gạo di động - shipper xanh”
Tại hội nghị, các tỉnh, thành Đoàn đã chia sẻ những mô hình tiêu biểu của thanh niên. Tỉnh Đoàn Bình Thuận đã triển khai chương trình “Chạm những yêu thương” để hỗ trợ, giúp đỡ, tiếp sức các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Từ ngày 23/6 đến 20/7, chỉ tính riêng Tỉnh Đoàn Bình Thuận đã vận động được nguồn lực triển khai chương trình là hơn 2,5 tỉ đồng (chưa có số liệu thống kê cấp huyện, cơ sở).
Các mô hình, hoạt động tiêu biểu do Tỉnh Đoàn triển khai trong chương trình như tổ chức 20 “Chuyến xe tuổi trẻ - San sẻ yêu thương” tới tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố và một số đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, Thành Đoàn TPHCM, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, chương trình "ATM gạo di động - shipper xanh”, bên cạnh phương thức người dân đến trực tiếp nhận gạo tại ATM gạo, đội hình “shipper xanh” là những đoàn viên, thanh niên sẽ nhận gạo tại ATM, sau đó đến khu vực bị phong tỏa, các hộ gia đình khó khăn, người lang thang cơ nhỡ, người khuyết tật, hộ nghèo và cận nghèo... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để trao gạo.
Đoàn Khối Doanh nghiệp T.Ư cũng có nhiều mô hình sáng tạo trong việc huy động hỗ trợ tiền mặt, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm tổng trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.
Đồng thời, tiêu thụ nông sản cho Bắc Giang và Đồng Tháp trị giá hơn 10 tỷ đồng; hỗ trợ hai chuyến bay chở sinh viên, giảng viên ĐH Y Hải Dương và ĐH Y khoa vào vào hỗ trợ TPHCM và Bình Dương. Đây cũng là cơ sở Đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực, như trao tặng suất săn, thiết bị phòng chống dịch cho người dân và lực lượng tuyến đầu...
Huy động nguồn lực hỗ trợ tuyến đầu, người dân khó khăn
Phát biểu kết luận Hội nghị, anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn cho rằng, những ý kiến trao đổi tại Hội nghị đã chia sẻ nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, có những mô hình, cách làm đã phát huy hiệu quả rất tốt trong đợt dịch vừa qua tại các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội...
Anh Cương đề nghị, các đơn vị cần tiếp tục phát huy điểm mạnh, điểm sáng tạo của tổ chức Đoàn để tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền công tác phòng chống dịch, đặc biệt là những chủ trương, chính sách mới của Chính phủ.
Tăng cường tuyên truyền hình ảnh đẹp, tấm gương người tốt việc tốt trong phòng, chống dịch bệnh; thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia tại các chốt kiểm soát, điểm cách ly, điểm tiêm vắc xin, vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân.
Huy động nguồn lực hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, người dân và thanh thiếu nhi gặp khó khăn do dịch bệnh; quan tâm chăm sóc thân nhân, con em chiến sĩ lực lượng vũ trang, y bác sĩ và các lực lượng tham gia phòng chống dịch...
Anh Cương cũng tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị tại Hội nghị và sẽ sớm ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai trong thời gian tới.