Tình nguyện viên ở biên giới Ukraine: 'Vì chúng ta là đồng bào'
Suốt trong hành trình sơ tán khỏi những Kharcov, Odessa hay Kiev, hình ảnh những tình nguyện viên người Việt luôn là 'cột mốc sống' cho sự bình an và hy vọng của những đồng bào chịu ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn ở Ukraine.
“Chúng tôi bật khóc khi thấy bà con”
Nguyễn Thiện Thành hiện đang là sinh viên khoa Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Corvinus Budapest (Hungary). Trong suốt 2 tuần vừa qua, Thành đã cùng nhiều thành viên khác trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary tham gia vào các hoạt động giúp đỡ bà con Việt Nam sinh sống và làm việc tại Ukraine di tản sang Budapest.
Nhiệm vụ của Thành là túc trực ở các ga, bến tàu như Keleti, Kelenfold và Nyugati-Budapest… để đón bà con, giúp đỡ mọi người nghỉ ngơi, ăn uống, đồng thời hỗ trợ mua vé để chuyển tiếp sang các nước lân cận như Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc…
“Khi bước xuống tàu và nhìn thấy chúng tôi thì bà con như vỡ òa. Họ kể lại cho chúng em hành trình gian nan ra sao để có thể sang được Budapest. Hầu hết đã phải bỏ lại tất cả, chỉ kịp mang theo một vài bộ quần áo và chút tiền phòng thân”, cậu sinh viên tới từ Hà Nội kể lại.
Thành bảo: Chứng kiến cảnh ấy, rất nhiều tình nguyện viên đã bật khóc. Họ khóc vì thương những gia đình vội vàng xúc nốt thìa cơm để tiếp tục hành trình; thương các em nhỏ vẫn đang tươi cười mà không biết rằng mình đang ở trong những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc đời. Có những em bé sơ sinh vẫn nằm lọt thỏm trong vòng tay của mẹ để được che chở khỏi những cơn gió lạnh buốt ở xứ người.
Sang Hungary từ tháng 9/2021, đây là lần đầu tiên Bùi Tạ Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hội sinh viên chi hội Budapest chứng kiến cảnh nhiều đồng bào người Việt Nam di chuyển từ Ukraine vào thành phố của mình đến thế. Ngay khi nhận thông tin, Hoàng Anh đã chủ động tham gia công tác hỗ trợ theo sự triển khai chung của Đại sứ quán.
“Hội sinh viên có nhiệm vụ phối hợp với Đại sứ quán và Hiệp hội người Việt ở Hungary đón đồng bào, sau đó tiếp nhận thông tin và nắm bắt nhu cầu của từng người để kịp thời hỗ trợ. Ngoài ra, chúng em cũng sẽ hỗ trợ sim liên lạc, lương thực, nước uống cho mọi người”, cậu sinh viên Học viện Balassi chia sẻ.
Do vẫn phải bảo đảm việc học, nên Hoàng Anh thường bắt đầu công việc hỗ trợ từ khoảng 19 giờ (theo giờ địa phương) và thường kết thúc rất muộn. “Có vài hôm liền đứng ở sân ga mà muốn ‘rụng chân’, toàn thân lạnh buốt nhưng nghĩ tới việc đang giúp đỡ mọi người thì tôi lại quên đi mệt mỏi”, Hoàng Anh nói.
Tính tới thời điểm hiện tại, nhóm sinh viên hỗ trợ tại Hungary có khoảng 4-50 người phân chia theo nhiều ca trực khác nhau. “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con trong mọi hoàn cảnh”, Hoàng Anh khẳng định.
Tương tự, tại Romania, từ khoảng hơn 10 ngày nay, các tình nguyện viên người Việt đã làm việc hết công suất. Ngay từ khi căng thẳng chính trị tại Ukraine xảy ra, Trần Lực – một nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Bucharest đã chủ động gác lại công việc của mình để tham gia hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng. Cũng giống Thiện Thành và Hoàng Anh tại Hungary, công việc của anh là hướng dẫn, phiên dịch và hướng dẫn những người mới sang liên lạc với Đại sứ quán cũng như di chuyển về các điểm tạm trú.
“Thời điểm ban đầu, dòng người sơ tán rất đông. Tại các nhà ga luôn chật kín. Nhiệt độ thường xuyên ở mức dưới 0 độ C kèm theo mưa tuyết khiến bà con càng khó khăn hơn. Tôi nhớ mãi hình ảnh một gia đình bế theo em bé mới 1-2 tháng tuổi đã phải đứng suốt 18 tiếng đồng hồ để tới được Bucharest. Tội nghiệp đến nhói lòng”, anh Lực nhớ lại.
Vì chúng ta là đồng bào
Trong những ngày sơ tán, hàng nghìn đồng bào từ Ukraine luôn cảm thấy ấm lòng khi nhìn thấy các tình nguyện viên trên biên giới. Từ Romania, Ba Lan, Hungary đến Slovakia… họ trở thành “cột mốc” của sự bình an và niềm hy vọng cho những người sơ tán.
Tại Hungary, các sinh viên tình nguyện viên luôn cầm theo một lá cờ đỏ sao vàng lớn cùng những tấm biển ghi hai chữ Việt Nam để kiều bào từ Ukraine dễ dàng nhận biết. Theo cách ấy, tấm quốc kỳ thiêng liêng trở thành “điểm tụ” cho tất cả những người con xa xứ.
Trong khi đó, tại Slovakia, anh Thân Trung Sơn, một trong những người đầu tiên tham gia hỗ trợ nhớ lại: Khoảng cuối tháng 2, khi tình hình tại Ukraine trở nên phức tạp hơn, anh cùng 2 người bạn đã quyết định sẽ phải "làm một điều gì đó". Cả nhóm trực tiếp xuống biên giới và thấy các tổ chức xã hội như Hội chữ thập đỏ, hội đoàn của Nhà thờ đã dựng lều trại để hướng dẫn dòng người bắt đầu từ phía Ukraine đổ về.
"Quay lại, chúng tôi liên lạc với một số anh em người Việt Nam khác. Rất vui chỉ sau vài cuộc điện thoại, tất cả đều đồng ý. Mỗi người một ngả cùng hướng về biên giới, trong đó có cả một bà mẹ có tới 3 con", anh Sơn nhớ lại.
Tối 27/2, cả đoàn quay lại, bắt tay cùng các đoàn thiện nguyện dựng lán trại. Lúc này vẫn chưa có người Việt Nam từ Ukraine di chuyển qua.
"Chúng tôi lên mạng biết được phía biên giới Ba Lan đã rơi vào cảnh ùn tắc. Có người phải xếp hàng tới 3-4 ngày đêm mới được qua. Ngay sau đó, cả nhóm đã viết thông báo lên các trang cộng đồng của bà con mình ở Slovakia, Ba Lan... hướng dẫn mọi người có thể chọn cửa khẩu Slovakia để nhận được sự hỗ trợ. Chúng tôi sẽ đón bà con ngay tại biên giới", anh Sơn nói tiếp.
Suốt những ngày tiếp đó, anh Sơn và các bạn gần như dừng hết mọi công việc để trở thành một "cọc tiêu" trên đất Slovakia. Tính cho tới nay, thông qua "kênh" này, hơn 100 kiều bào từ Ukraine đã nhận được sự giúp đỡ và tới được Slovkia. Họ nhận được đồ ăn, nước uống và cả một chỗ tạm trú an toàn.
"Điều khiến chúng tôi vui nhất là cộng đồng ta tại Slovakia sau khi biết tới hoạt động này đã gọi điện và đề nghị được tham gia cùng. Nhiều người đã dùng chính căn nhà của mình để làm thành điểm tạm trú cho đồng bào trong những ngày gian khó", anh Sơn chia sẻ.
Thông tin thêm với phóng viên Báo Nhân Dân, chị Dương Quỳnh Chi, thành viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Romania cho hay: Trong những ngày qua, tại Romania, đã có ít nhất 20 hộ gia đình cộng đồng người Việt Nam đón tiếp gần 200 người lánh nạn về nhà mình để tiện hỗ trợ, chăm sóc trong đó có nhiều trẻ nhỏ, người ốm, người già và phụ nữ mang thai.
Nhờ sự giúp đỡ không vụ lợi ấy của các tình nguyện viên, gần 600 công dân Việt Nam tại Ukraine đã về nước trong 2 chuyến bay sơ tán đầu tiên vào các ngày 8 và 10/3 vừa qua. Chị Nguyễn Thị Thu Phương (31 tuổi, Odessa) – một trong những người may mắn như thế không giấu nổi sự xúc động khi nhớ tới tình cảm của đồng bào xa xứ.
"Khi gặp được đoàn, tôi còn nhớ như in câu nói của các anh trong Đại sứ quán mình: 'Chúng tôi đón bà con, anh chị em, từ đây chúng tôi phải có trách nhiệm đưa bà con, anh chị em về được quê hương'. Thật sự khi nghe được câu đó tôi rất xúc động. Tôi cảm giác như mình đã được trở về quê hương, chứ không phải đi lánh nạn ở nước khác", chị Phương bày tỏ.
Vào lúc này, tại đất nước Hungary xa xôi, cậu sinh viên trẻ măng sinh năm 2002 Nguyễn Thiện Thành nhắn tin cho chúng tôi báo: “Em đang chờ đón chuyến tàu cuối cùng trong ngày từ Ukraine về Bucharest. Hôm nay, số lượng bà con đến đã ít đi nhiều. Chỉ mong tất cả đồng bảo mình sớm bình yên. Với chúng em, việc được nhìn thấy nụ cười trên môi mọi người là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn. Bởi sau cùng, tất cả chúng ta là đồng bào”.
Tiếp tục các chuyến bay đưa người Việt từ Ukraine về nước
Ngày hôm nay, 12/3, theo kế hoạch, chuyến bay cứu trợ thứ 3 sẽ tiếp tục cất cánh từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) tới Warsaw (Ba Lan) để đón người Việt Nam từ Ukraine trở về. Đây cũng là chuyến bay miễn phí với sự tham gia phối hợp giữa Tập đoàn Sun Group và Vietnam Airlines nhằm chung tay cùng Chính Phủ trong việc giúp đỡ, bảo hộ công dân ở nước ngoài; thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Công dân Việt Nam và thành viên gia đình tại Ukraine có nhu cầu hồi hương sẽ được vận chuyển về Việt Nam miễn phí hoàn toàn, không phải trả bất cứ chi phí nào. Dự kiến, các chuyến bay sẽ được thực hiện cho tới khi hết nhu cầu công dân Việt Nam và thành viên gia đình trở về nước.