Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam được mua bảo hiểm rủi ro
Công ty Nanogen đã chuẩn bị rất chỉn chu công tác xử lý các biến cố không may xảy ra. Họ cũng đã kí hợp đồng bảo hiểm dự trù 20 tỷ đồng cho các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19.
Trong buổi lễ công bố chương trình tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 sáng 10/12, ông Hồ Nhân, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Nanogen cho biết, đã kí hợp đồng với đơn vị bảo hiểm, dự trù 20 tỷ đồng cho các tình nguyện viên.
Ông Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển của Nanogen cho hay, công ty đã chuẩn bị rất chỉn chu công tác xử lý các biến cố không may xảy ra. Nanogen cũng đã kí quỹ với ngân hàng một số tiền rất lớn, để chi trả cho những vấn đề mà bảo hiểm không thanh toán được.
Ông Hồ Nhân nhận định thêm, chủng virus SARS-CoV-2 rất "thông minh", công ty đã tốn rất nhiều thời gian để làm nên loại vaccine đáp ứng tốt nhất.
"Chúng tôi loay hoay đi từng bước chậm, vì công việc này đòi hỏi tính khoa học rất cao, tỉ mỉ chi tiết. Hàng trăm con người làm ngày làm đêm trong suốt 6 tháng mới hoàn thành quy trình sản xuất này", ông Nhân nói.
Nanocovax là ứng viên vaccine được nghiên cứu và sản xuất bằng công nghệ protein tái tổ hợp. Trước khi đưa ra thử nghiệm lâm sàng, Nanocovax đã đạt tất cả các chỉ tiêu tiền lâm sàng, được các cơ quan chức năng kiểm duyệt.
"Chúng ta nếu không có vaccine sớm, sẽ mất thêm nửa năm 2021, thậm chí năm 2022, vì dịch bệnh cứ bùng lên rồi kiểm soát. Đời người mất đi vài năm tự do, thì chẳng khác nào chúng ta bị con virus này cầm tù", ông Nhân nhấn mạnh và bày tỏ niềm tin tưởng vào vaccine Nanocovax, để "chúng ta sẽ có một cái Tết thật vui và nhiều cảm xúc".
Sáng 9/12, Hội đồng Đạo đức/ Ban Đánh giá các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế đã họp và phê duyệt thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax. Từ ngày 10/12, Công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), bắt đầu quá trình thử nghiệm vaccine trên người.
Giai đoạn 1, từ 12/2020 - 2/2021, Học viện Quân y tuyển 60 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18-50, để đánh giá tính an toàn và bước đầu đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch của 3 liều ứng viên vaccine Nanocovax, gồm 25mcg, 50mcg và 75mcg trên người lớn khỏe mạnh.
Các tình nguyện viên sẽ được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Khi được thu tuyển vào nghiên cứu, người tình nguyện sẽ được theo dõi tại Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y tối thiểu 72 giờ.
Trong suốt thời gian này, người tình nguyện sẽ được theo dõi sức khỏe hàng ngày bởi các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 và Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự. Sau thời gian theo dõi tại viện, người tình nguyện sẽ được trở về nhà và được hướng dẫn tự theo dõi, tự ghi chép. Hàng ngày, sẽ có cán bộ y tế đến thăm hoặc gọi điện thoại.
Giai đoạn 2, từ 2/2021 - 8/2021, tuyển 400 - 600 người (12-75 tuổi), để đánh giá tính an toàn và so sánh đáp ứng miễn dịch của 3 liều vaccine, từ đó xác định liều dùng tối ưu của vaccine nghiên cứu.
Giai đoạn 3, từ 8/2021 - 2/2022, từ 10.000 - 30.000 tình nguyện viên, đánh giá hiệu quả vaccine trên người khỏe mạnh.
Hiện tại, công suất của Công ty Nanogen có thể sản xuất 2.000.000 liều/ năm. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, họ vừa sản xuất vừa nâng cấp nhà máy để tối ưu hóa công suất lên 20 - 30 triệu liều/ năm, công suất lý tưởng là 50 triệu liều/ năm.