Tình nguyện viên TQ kể chuyện thử vắc-xin đầu tiên phòng Covid-19
Tổng cộng 108 tình nguyện viên đến từ Vũ Hán đã được tiêm vắc-xin thử nghiệm đầu tiên phòng ngừa Covid-19 do Quân y Trung Quốc phối hợp với một hãng dược phẩm trong nước phát triển.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một vài trường hợp có thể bị tiêu chảy, sốt cao và một chút bất an nhưng tất cả tình nguyện viên đều tự hào cho biết, tuần vừa qua ghi dấu việc họ trở thành những công dân đầu tiên ở Trung Quốc được tiêm loại vắc-xin có khả năng giúp phòng ngừa virus corona chủng mới.
Quá trình thử nghiệm bắt đầu ở miền trung Trung Quốc hôm 18/3, chỉ 3 ngày sau khi CanSino Biologics, hãng dược bào chế vắc-xin Covid-19 cùng các chuyên gia nghiên cứu quân y, được Bắc Kinh bật đèn xanh.
Các thông tin công khai trong cơ sở dữ liệu đăng ký thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc cho thấy, các tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 - 60 tuổi và có sức khỏe tốt. Họ được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 36 người và sau đó nhận các liều tiêm vắc-xin khác nhau, bao gồm cả liều thấp, liều vừa phải và liều cao, tại một cơ sở thuộc quản lý của lực lượng công an thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc.
Nhật báo Khoa học dẫn lời Wang Junzhi, một chuyên gia thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tiết lộ, sau khi tiêm vắc-xin, các tình nguyên viên sẽ trải qua 14 ngày cách ly dưới sự giám sát y tế chặt chẽ.
Một tình nguyên viên mới đây đã chia sẻ trải nghiệm của mình với công chúng trên mạng xã hội. "Tôi đã hồn nhiên đăng ký thử nghiệm mà chẳng hề sợ hãi. Tôi chỉ được thông báo về việc tiêm vắc-xin trước một ngày", một phụ nữ trẻ lấy tên tài khoản là Xiao Mi viết trên mạng xã hội Weibo. Cô được tiêm vắc-xin thử nghiệm liều thấp.
Xiao kể, cô đã đọc về các tác dụng phụ có thể gặp phải, chẳng hạn như những phản ứng dị ứng và cảm thấy lo sợ sau khi tiêm. Tuy nhiên, đó "có thể là điều tồi tệ nhất".
"Hai người trong nhóm của tôi thấy nhiệt độ cơ thể họ tăng lên 38 độ ... và một số bị tiêu chảy", Xiao viết. Song, cô nói thêm, tất cả những tác dụng phụ này đều qua đi rất nhanh.
Theo nữ tình nguyện viên trẻ, điều quan trọng hơn là, mặc dù có chút e ngại nhưng bằng cách tham gia cuộc thử nghiệm, cô cảm thấy mình đang đóng góp được chút ít cho xã hội.
"Tôi cảm thấy mình có thể chịu đựng được các ảnh hưởng. Tôi muốn được một lần vượt lên trên những mối quan tâm đơn giản của một người bình thường. Chúng ta nên cảm ơn tất cả những người đã tiên phong bảo vệ người dân bình thường", Xiao bộc bạch. Cô cũng xác nhận các thông tin trước đó rằng, người đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc-xin là một thiếu tướng, nhà khoa học quân y đứng đầu cuộc thử nghiệm.
Một tình nguyện viên khác là Li Ming, người có vợ - Wang Feng mới hồi phục phục gần đây sau khi điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
"Từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cho đến nay, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận chẩn đoán và điều trị. Chồng đã luôn bên cạnh tôi vượt qua quá trình này. Anh ấy hiểu rất rõ khó khăn đến như thế nào đối với một bệnh nhân", cô Wang chia sẻ.
Trung Quốc và Mỹ đang dẫn đầu cuộc đua phát triển vắc-xin phòng ngừa virus corona chủng mới. Trước đó, Bắc Kinh đã chỉ đạo Quân y dốc toàn lực cho công tác này.
Vào ngày công ty CanSino được Chính phủ Trung Quốc cấp phép bắt đầu thử nghiệm vắc-xin, Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ kết hợp cùng công ty công nghệ sinh học Moderna ở Massachusetts xúc tiến thử nghiệm đầu tiên với loại vắc-xin Covid-19 do họ phát triển.
Chuyên gia Wang Junzhi đánh giá, các chương trình phát triển vắc-xin dường như đang tiến triển tốt. Ông cho rằng hầu hết các nhóm nghiên cứu cần có khả năng hoàn tất công trình tiền lâm sàng của họ vào tháng tới và thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ngay sau đó.
Tuy nhiên, Roy Hall, giáo sư chuyên ngành virus học thuộc Đại học Queensland (Australia) nhấn mạnh, ngay cả khi các thử nghiệm được đẩy nhanh, thế giới có thể vẫn phải chờ một thời gian, ít nhất 6 - 9 tháng sau đó để có một vắc-xin sẵn sàng cho sản xuất đại trà. Theo ông, việc mất tới một năm mới để vắc-xin phòng ngừa Covid-19 trình làng kể từ khi thế giới phát hiện ra mầm bệnh cũng sẽ là một "thành tựu đáng kể".