Tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa: Hàng ngàn hecta đất nông nghiệp, cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán
Ngày 10-5, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tình hình hạn hán, thiếu nước vẫn đang diễn ra gay gắt khiến hàng ngàn hécta đất nông nghiệp tại địa phương có nguy cơ phải dừng sản xuất.
Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Ninh Thuận thông tin, đến thời điểm hiện tại, dung tích tại 23 hồ chứa nước trên toàn tỉnh chỉ còn khoảng 150/417 triệu m3 tổng dung tích thiết kế. Do thiếu nước, huyện Ninh Phước sẽ tạm dừng sản xuất hơn 2.000ha diện tích đất nông nghiệp; huyện Thuận Bắc dự kiến dừng sản xuất hơn 800ha; huyện Thuận Nam dừng sản xuất gần 2.300ha… Thời gian tới, nếu không có mưa, gần 5.300 hộ với trên 17.500 nhân khẩu tại tỉnh Ninh Thuận sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Theo ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đã đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục chủ động, tập trung triển khai công tác chống hạn, trong đó ưu tiên đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.
* Người dân huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, diện tích sầu riêng ra hoa, tạo quả non khoảng 1 tuần trở lại đây đều bị rụng quả non, có vườn rụng tới 2/3 số quả. Theo ghi nhận, thời gian qua, tình hình nắng nóng trên địa bàn diễn ra gay gắt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, ban ngày nhiệt độ lên đến 37-38oC, còn ban đêm chỉ 20-22oC, nhất là rạng sáng trời lại rất lạnh.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn, những vườn sầu riêng ra quả non giữa tháng 4 đến nay đều bị ảnh hưởng do sốc nhiệt. Toàn huyện có 3.500ha cây ăn quả, trong đó khoảng 2.645ha sầu riêng. Diện tích sầu riêng không chủ động được nước tưới, bị ảnh hưởng hạn hán chiếm khoảng 30%, tương đương khoảng 800ha. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài trong vòng 30 ngày tới thì diện tích sầu riêng không đủ nước tưới sẽ lên đến khoảng 50% tổng diện tích, tương đương khoảng 1.300ha.
Để chủ động trong công tác phòng chống hạn, UBND huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn rà soát các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng hạn hán để bàn các giải pháp hỗ trợ, khắc phục.
Phát biểu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 10-5 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trước tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt, nhiều vùng canh tác ở Việt Nam bị hạn hán, xâm nhập mặn, những kinh nghiệm và mô hình, kỹ thuật mà Israel làm được chính là hy vọng cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam, chia sẻ, Israel sẵn sàng tư vấn về công nghệ và tìm ra các giải pháp, cơ hội hợp tác với Việt Nam.