Tính phương án phụ đẩy nhanh việc cứu nạn bé trai lọt ống cọc bê tông

Ngoài phương án khoan bằng guồng xoắn, đội cứu nạn cứu hộ tỉnh Đồng Tháp cũng tính đến phương án phụ cứu bé Nam là dùng khoan xoáy nước.

Việc cứu nạn bé trai 10 tuổi sẽ tiếp tục xuyên đêm 3/1 "Tính đến chiều nay, lực lượng cứu hộ đã đóng ống thép xuống độ sâu khoảng 23 m trên tổng số 35 m. Việc cứu hộ sẽ diễn ra xuyên đêm 3/1", ông Đoàn Tấn Bửu, PCT tỉnh thông tin.

Vào 17h ngày 3/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin đơn vị thi công vẫn sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn để mang đất đá bên trong ống trụ ra ngoài.

Theo đơn vị thi công, đến 14h30 đã làm sạch lượng bùn đất sâu 23/35 m bên trong lòng ống. Công tác khoan guồng xoắn vẫn sẽ tiếp tục thực hiện đến độ sâu 27 m, sau đó tiến hành tròng cáp vào 3 đoạn ống bê tông. Đơn vị thi công tiếp tục khoan sâu đến cuối đầu cọc, khi không còn ma sát thì nhổ cọc lên.

Dựa trên ý kiến từ các chuyên gia, đội cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp đang nghiên cứu phương án phụ là khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn được nhanh hơn.

"Đội vẫn ưu tiên phương án khoan bằng guồng xoắn bởi đây là biện pháp ổn định, đem lại hiệu quả. Còn khoan xoáy nước vẫn là phương án dự phòng, chưa được triển khai", lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thông tin thêm.

Theo ông Bửu, quá trình thi công đoạn còn lại đang gặp khó khăn do kết cấu đất chặt, tuy nhiên đơn vị thi công vẫn giữ các nhóm, tổ thực hiện xuyên đêm rút ngắn thời gian để nhanh chóng cứu hộ cháu bé.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết trong tối 3/1, ở hiện trường khả năng có mưa. Do đó, đội cứu hộ đã đào sẵn mương, rãnh dẫn nước tạo đường thoát. Đồng thời, đội cũng chuẩn bị các loại máy bơm chuyên dụng để bảo vệ hiện trường không bị ngập úng.

Dự kiến, đội cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp làm việc xuyên đêm đến sáng 4/1 tiếp tục dùng khoan guồng xoắn, khi nào đủ điều kiện sẽ tiến hành rút ống cọc bê tông lên.

Sau khi cọc được kéo lên, đội công binh Quân khu 9 sẽ chia ra hai nhóm cùng làm, dùng chuẩn bị cưa cắt chuyên dụng để rút ngắn thời gian cứu bé Hạo Nam.

 Phương án giải cứu bé Nam là làm loãng địa chất xung quanh để tiến hành nhổ ống cọc bê tông. Đồ họa: Duy Anh.

Phương án giải cứu bé Nam là làm loãng địa chất xung quanh để tiến hành nhổ ống cọc bê tông. Đồ họa: Duy Anh.

Vân Trang - Hoàng Giám

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-phuong-an-phu-day-nhanh-viec-cuu-nan-be-trai-lot-ong-coc-be-tong-post1390697.html