Tỉnh Preah Sihanouk trao đổi kinh nghiệm nông, lâm, ngư nghiệp với tỉnh Kiên Giang
Chiều 13-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh tiếp và làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Preah Sihanouk (Vương quốc Campuchia) do ngài Kong Vitanak - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk làm trưởng đoàn sang thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm về nông, lâm, ngư nghiệp tại tỉnh Kiên Giang.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết đến nay, tỉnh Kiên Giang đã ký kết và thực hiện hợp tác với 5 tỉnh, thành phố của Vương quốc Campuchia gồm: Kep, Kampot, Preah Sihanouk, Koh Kong và thủ đô Phnom Penh trên hầu hết các lĩnh vực. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Preak Chak và cửa khẩu quốc gia Giang Thành - Ton Hon (Campuchia) bình quân đạt trên 178 triệu đô la Mỹ, với các mặt hàng giao thương gồm thực phẩm và nông sản, trong đó Kiên Giang nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Camphuchia như xoài, lúa, đường tinh luyện…
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thời gian qua, hai bên đã chỉ đạo lực lượng chức năng mỗi bên thường xuyên kiểm tra các hoạt động khai thác thủy sản vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển, thảm cỏ biển, san hô và các loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng: cá heo, bò biển, hải mã, rùa biển... góp phần phục hồi, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản của hai tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nhấn mạnh trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục quan tâm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác cùng phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, nhất là tiếp tục củng cố, duy trì thực hiện hiệu quả văn bản ký kết hợp tác giữa hai tỉnh theo phương châm láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.
Tỉnh Kiên Giang và Preah Sihanouk tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu thiết thực nhằm tăng cường hơn sự hiểu biết sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân hai nước, hai địa phương. Hai bên cùng chung tay giữ gìn, vun đắp và phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới, đóng góp thiết thực vào sự phát triển phồn vinh của hai quốc gia.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản hai bên tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ngư dân chấp hành đúng quy định về thủy sản của hai nước và Luật Biển bằng cách trao đổi thông tin lẫn nhau về tình hình đánh bắt; tiếp tục cùng phối hợp thực hiện bảo vệ, bảo tồn nguồn thủy sản và các loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng.
Hơn thế nữa, hai bên xem xét khả năng trong việc khảo sát, đào tạo và trao đổi kinh nghiệm liên quan đến: trồng trọt, sản xuất hạt giống thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt năng suất cao, có giá trị trong thị trường; chăn nuôi và lai tạo giống; nuôi trồng thủy sản và lai tạo giống nguồn thủy sản cả nước ngọt và nước mặn; kỹ thuật sau khi thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm ... và cùng nhau khảo sát về tiềm năng và cơ hội thị trường sản phẩm nông nghiệp của hai nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, ngài Kong Vitanak - Phó Tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk bày tỏ vui mừng và trân trọng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Kiên Giang có buổi tiếp trọng thể, hỗ trợ đoàn trong chuyến sang thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm về nông, lâm, ngư nghiệp tại tỉnh Kiên Giang. Thời gian qua, hai tỉnh đã có nhiều văn bản ký kết hợp tác trên các lĩnh vực.
Ngài Kong Vitanak hy vọng hai tỉnh sẽ có bước tiến trong hợp tác lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Sau chuyến công tác này, tỉnh Preah Sihanouk mong học hỏi thêm nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tại Kiên Giang.
Sau buổi làm việc, đoàn công tác của tỉnh Preah Sihanouk tham quan thực tế mô hình trồng cây xanh đô thị tại xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tập ấp Bình Phong, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận; Trại giống nông - lâm - ngư nghiệp tại ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, trại nuôi tôm của Công ty Cổ phần thủy sản NTSF tại ấp Tà Săng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương; Trại chăn nuôi heo ấp Tân Tiến, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành (Kiên Giang).
Tin và ảnh: THÙY TRANG