Tình quân dân dưới chân núi Mỏ Neo
Chiều tà, hoàng hôn trải ánh vàng mượt như lụa xuống khu vực thao trường hỗn hợp của Trung đoàn 877, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Có thế tựa vào chân núi đá Mỏ Neo, khu vực thao trường được đầu tư quy mô, bài bản, tích hợp đủ các khu vực bắn đạn K54, AK, súng cối, hầm hào, công sự, lô cốt và cả vị trí đỗ trực thăng… Thượng tá Đoàn Trọng Thân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 877, cho biết: 'Trung đoàn vinh dự được lãnh đạo các cấp lựa chọn đầu tư điểm đầu tiên ở Quân khu 2, xây dựng cơ bản thao trường hỗn hợp theo hướng hiện đại'.
Chúng tôi cùng Thượng tá Đoàn Trọng Thân đi tham quan thao trường và quan sát bộ đội luyện tập các khoa mục chiến thuật. Kiểm tra giáo án huấn luyện, Thượng tá Đoàn Trọng Thân nói: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Huấn luyện bộ đội càng tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng động tác càng trui rèn được bản lĩnh, sự tinh nhuệ của bộ đội. Bài học đó được đúc kết qua lịch sử 40 năm chiến đấu và trưởng thành của trung đoàn.
Thành lập tháng 10-1979, đóng quân trên địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn luôn đồng cam cộng khổ với dân, vừa chiến đấu vừa sản xuất, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc, viết nên truyền thống “Trung thành-Đoàn kết-Kiên cường-Chiến thắng”.
40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn 877 luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt của tỉnh Hà Giang trong xây dựng vững chắc thế trận phòng thủ bảo vệ biên giới Tổ quốc. Để hiểu rõ hơn về những trang sử hào hùng của Trung đoàn 877, chúng tôi đã tìm gặp những cán bộ từng gắn bó với trung đoàn từ thời kỳ đầu thành lập.
Trong căn nhà giản dị ở thành phố Hà Giang, chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Kim Chung, nguyên Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Trong cuộc trò chuyện, ông cho chúng tôi biết, đến thời điểm hiện tại, ông đã tham gia viết và biên tập hơn một chục đầu sách lịch sử các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ngoài ra ông cũng xuất bản riêng 2 cuốn tiểu thuyết và ba tập sách kể về ký ức hào hùng thời chiến tranh.
Sau khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Nguyễn Kim Chung trở về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Nhớ lại thời kỳ mới về nhận nhiệm vụ, ông Chung cho biết, lúc đó Hà Giang là một tỉnh rất nghèo, giao thông đi lại khó khăn nhưng liên tục bị kẻ thù và các thế lực phản động chống phá bằng kiểu chiến tranh lấn chiếm biên giới và chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ biên giới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, ngày 15-10-1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn Bộ binh 877 thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tuyên (nay là hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang).
Trung đoàn 877 được tăng cường cho các huyện đông bắc của tỉnh, đồng thời chọn xã Minh Ngọc, huyện Vị Xuyên (nay thuộc huyện Bắc Mê) làm nơi đóng quân. Đại tá Nguyễn Kim Chung cho biết: “Ngày mới thành lập, 90% chiến sĩ người dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan đều là con em các dân tộc trong tỉnh. Thời điểm đó, kinh tế đất nước rất khó khăn, đơn vị thành lập nhưng chủ yếu vẫn ở trong dân, dựa vào dân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu”. Sau khi được thành lập, các đơn vị của Trung đoàn 887 đi bộ hàng trăm ki-lô-mét đường rừng núi lên các huyện: Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn. Bản, xã chưa có đường vào chính thức mà chỉ là những lối mòn luồn theo khe núi, vực sâu. Bọn phản động thường xuyên chỉ điểm, dẫn lối cho thám báo, biệt kích đối phương thâm nhập, hoạt động bắt cóc, gài mìn, phục kích cán bộ ta.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Luân, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 877, những năm 1982-1989, để vượt qua khó khăn, thách thức, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trung đoàn tăng cường bộ đội giúp dân sửa chữa, củng cố hệ thống kênh mương, trồng và thu hoạch hoa màu, cùng chính quyền địa phương phát động Phong trào “Tuổi trẻ làm chủ đường biên”, “Luống rau nuôi quân, luống rau tình nghĩa”. Nhờ vậy, tình quân dân giữa các đơn vị thuộc Trung đoàn 877 với các cấp ở địa phương ba huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh ngày càng gắn bó keo sơn.
Hà Giang là một tỉnh có địa hình, thời tiết phức tạp, thường xuyên xảy ra mưa lũ, lốc xoáy. Mỗi khi có thiên tai, tại các điểm “nóng" nhất, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 877 đều có mặt kịp thời. Chúng tôi gặp Trung úy Nguyễn Văn Duẩn sau giờ tăng gia. Là cán bộ trẻ mới ra trường, Duẩn là người rất năng nổ, nhiệt huyết. Nhớ lại chuyện giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ hồi tháng 9, Nguyễn Văn Duẩn nhẹ nhàng kể với vẻ mặt hiền khô: “Chiều 11-9, tôi nhận được điện thoại của gia đình bị ngập lụt hư hại hoa màu. Một phần nhà cửa cũng bị ảnh hưởng, xe máy bị nước cuốn trôi. Sau đó tôi lên báo chỉ huy xin phép về giúp gia đình. Khi vừa về phòng làm công tác chuẩn bị thì nhận được lệnh của cấp trên thông báo khẩn cấp tới giúp dân bị ảnh hưởng mưa lũ ở xã Yên Minh. Nhận thông tin đó, anh em đơn vị đã động viên nhau làm tốt nhiệm vụ, bởi hoạn nạn là lúc người dân cần bộ đội nhất, mọi công việc cá nhân cần để lại phía sau”. Gần 10 ngày giúp dân ở thị trấn Yên Minh, cách nhà hơn chục ki-lô-mét, nhưng do bận công tác tối ngày nên Duẩn cũng không thể ghé thăm nhà dù là vài phút...
Năm 2018 và những năm trước đó, mỗi khi người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang gặp thiên tai, bão lũ, các chiến sĩ Trung đoàn 877 đều có mặt kịp thời, đóng góp hàng nghìn ngày công giúp dân. Bên cạnh đó, Trung đoàn 877 cũng tích cực tham gia Phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới". Trung đoàn đã phối hợp với xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, xã Kim Thạch, huyện Vị Xuyên bê tông hóa gần 1.000m đường bê tông. Con đường mới giúp đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa tiện lợi, mang no ấm đến cho dân bản.
Có thể nói, trong hầu hết các nhiệm vụ dân vận, giúp dân xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, Trung đoàn 877 luôn là lực lượng tiên phong.