Tình quân dân trên khu vực biên giới biển Vĩnh Châu
Những năm qua, BĐBP Sóc Trăng đã xây dựng và duy trì hiệu quả nhiều mô hình, việc làm ý nghĩa, giúp nhân dân khu vực biên giới biển phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Từ đó, củng cố lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp, cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Ấm áp trong căn nhà mới
Vui vẻ đón chúng tôi, Thiếu tá Sóc Đúng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lai Hòa thông tin: "Đồn Biên phòng Lai Hòa đóng quân và quản lý địa bàn 2 xã biên giới biển là Lai Hòa và Vĩnh Tân, thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Trên địa bàn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 70%, nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhà cửa dột nát, hư hỏng... từ đó, đơn vị đã phối hợp với các cấp, các ngành của địa phương triển khai các mô hình, việc làm giúp dân từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống.
Chúng tôi theo chân Trung tá Nguyễn Hữu Trạng, cán bộ Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Lai Hòa đến thăm hộ gia đình anh Thạch Văn Hang, ngụ ấp No Puol. Đây là hộ gia đình nghèo mới được Đồn Biên phòng Lai Hòa và Hội chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết.
Anh Thạch Văn Hang năm nay hơn 40 tuổi, có 4 người con, con lớn của anh năm nay 18 tuổi, con nhỏ 6 tuổi. Anh bộc bạch: “Cả nhà 6 nhân khẩu nhưng cuộc sống hàng ngày chỉ trông chờ vào thu nhập của mình tôi từ công việc làm thuê cho các hộ nuôi tôm trong vùng; vì thế mà việc học hành của các cháu cũng dở dang. Trước đây, gia đình tôi phải ở trong căn nhà cây lá tạm, mỗi lần mưa gió là cả nhà lo lắng, con cái sợ hãi khóc lóc khi thấy sấm chớp, mưa dột. Năm 2023, chúng tôi được Đồn Biên phòng Lai Hòa và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ xây cất cho căn nhà trị giá 50 triệu đồng. Có nhà xây khang trang, gia đình tôi ở cũng an tâm, không lo mưa gió như trước nữa”.
Căn nhà bên cạnh của mẹ anh Hang là bà Thạch Thị Hinh, năm nay 77 tuổi cũng được Đồn Biên phòng Lai Hòa và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ xây cất vào năm 2022. Bà Hinh lớn tuổi, sống chung với người con trai út, cuộc sống của mẹ con bà Hinh cũng phụ thuộc vào nghề làm thuê của vợ chồng con trai út. Trung tá Nguyễn Hữu Trạng thông tin thêm: “Gia đình mẹ con bà Hinh, anh Hang khó khăn lắm, do đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tự nguyện đóng góp ngày công lao động để phụ giúp cho 2 gia đình xây nhà. Khi xây xong, ngày bàn giao, anh em đơn vị và địa phương còn hỗ trợ tặng thêm một số vật dụng trong nhà như quạt, gạo, các nhu yếu phẩm khác, để các gia đình yên tâm bước vào cuộc sống mới”.
"Gian hàng 0 đồng" dành cho người nghèo
Như thành thông lệ, cứ mỗi tháng, bà Thạch Thị Lươl, ngụ ấp Prêy Chóp (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) lại đến với “Gian hàng 0 đồng” tại Đồn Biên phòng Lai Hòa để nhận thêm phần gạo và chọn thêm chai dầu ăn, nước mắm, nước tương và thêm ít rau, củ quả để cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày của 5 bà cháu. Bà Thạch Thị Lươl cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hằng ngày, bà phải đi làm thuê cho dân trong vùng để kiếm tiền nuôi 4 đứa cháu nhỏ. Nên mỗi lần được các chú ở Đồn Biên phòng cho phiếu đến “Gian hàng 0 đồng” là bà cháu mừng lắm. Số gạo và các nhu yếu phẩm bà cháu dùng được cả tháng, nên hàng ngày, bà đi làm thuê cũng an tâm hơn”.
Thiếu tá Sóc Đúng chia sẻ: "Ngoài những hộ gia đình khó khăn được các ấp phát phiếu đến “Gian hàng 0 đồng” để được nhận gạo và các nhu yếu phẩm, đơn vị còn phân công cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các chị em phụ nữ, đoàn thanh niên địa phương đem đầy đủ gạo, nhu yếu phẩm và rau, củ, quả đến một số hộ gia đình người già yếu, bị bệnh trên địa bàn để họ giảm bớt gánh nặng cuộc sống hàng ngày. Điển hình như gia đình bà Lâm Thị Lôi, ngụ ấp Xung Thum, xã Lai Hòa, là một trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cả 2 ông bà năm nay đều trên 70 tuổi, chồng bà Lôi còn bị bệnh nặng, nhà không có đất sản xuất, con cái ở xa và cũng là đối tượng nghèo. Chia sẻ khó khăn với gia đình bà Lôi, Đồn Biên phòng Lai Hòa đã hỗ trợ mỗi tháng 300.000 đồng và nhu yếu phẩm thiết yếu khác".
Được biết, mô hình “Gian hàng 0 đồng” của Đồn Biên phòng Lai Hòa đã duy trì từ nhiều năm nay. Các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước tương, nước mắm... do Đồn Biên phòng Lai Hòa vận động các nhà hảo tâm đóng góp; cá, rau, củ, quả là sản phẩm do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tăng gia sản xuất. Dù không nhiều, nhưng phần nào góp phần giúp bà con bớt đi gánh nặng trong cuộc sống hàng ngày.
Đại tá Nguyễn Trìu Mến, Chính ủy BĐBP Sóc Trăng cho biết: Địa bàn biên giới biển tỉnh Sóc Trăng gồm 11 xã, phường, thị trấn thuộc thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung. Thời gian qua, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển của tỉnh, BĐBP Sóc Trăng luôn quan tâm và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành địa phương triển khai nhiều chương trình, mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực giúp đỡ nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới biển như: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, “Tặng bò giống cho đồng bào nghèo nơi biên giới”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Hũ gạo tình thương”, “Sổ nghĩa tình Quân - Dân”...
Những việc làm của BĐBP đã góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương nơi đóng quân từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp nhân dân vươn lên ổn định cuộc sống, thắt chặt hơn mối quan hệ đoàn kết quân dân, xây dựng và củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh toàn dân trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển của tỉnh.