Tình rừng
Đã lâu rồi tôi không còn nghe tiếng trẻ con gọi nhau đi rừng. Thật nhớ. Tôi ngồi bậc cửa nhìn lên đỉnh núi chìm giữa lớp sương mù đang tan loãng.
Mùa xuân đã chớm, vườn cải bung nở trong ban mai, bên bờ rào cây mận hé những nụ hoa trắng đầu tiên, đối với những người miền núi, đó cũng là dấu hiệu của mùa măng vầu đang bắt đầu.
Tuổi thơ của tôi có những kỷ niệm với rừng như thứ hành trang bên mình không thể thiếu. Bốn mùa trôi qua tuần tự, cứ mỗi độ mùa măng vầu đến, đám trẻ trong bản chúng tôi lại rủ nhau vào rừng vừa để đào măng và tìm nấm hương. Nghe người lớn truyền kinh nghiệm rằng phải vạch lá tìm thật kỹ, thật tinh mắt mới phát hiện được chỗ đất nứt, chỗ nào đất bung xốp ắt chỗ đó có nhiều măng. Tôi tìm mỏi mắt nhưng không được củ măng nào, trong khi chúng bạn đứa được lưng nải, đứa thì túi đầy khệ nệ, tôi chạnh lòng phát khóc. Trong lúc cả nhóm ngồi duỗi chân nghỉ dưới lớp lá mục êm ái thì tôi cảm nhận được thứ gì đó cồm cộm dưới chân, khi bới lá lên chợt thấy bốn chiếc tai măng đang nhú khỏi mặt đất, tôi mừng rơn, vội vàng hì hục đào đất xung quanh những chiếc tai bé xíu để bẻ chiếc măng non to mẫm. Tôi đã vui biết chừng nào. Vị thơm ngọt của chiếc măng trong bữa cơm tối là mùi hương ký ức chưa bao giờ khiến tôi quên được.
Âm thanh và màu sắc của thời gian cùng bốn mùa lặng lẽ đi qua những chỏm tóc ngây ngô của đám trẻ đồng rừng. Trong trí tò mò của đám trẻ chúng tôi ngày ấy, cánh rừng là thế giới chứa đựng những bí mật diệu kỳ. Chúng tôi đã đi và khám phá, đã khóc, cười và trong giấc mơ bé bỏng, đã được dỗ dành bằng lời yêu thương của cây, của suối. Rừng cứ thế xanh, xanh bất biến đi suốt mùa này đến mùa khác, đời này đến đời khác. Người dân bản tôi dựa vào rừng từ gỗ làm nhà, cây thuốc, củi đóm, rau rừng và bốn mùa được ban tặng những trái quả thơm ngon..., rừng bao dung và độ lượng là thế. Bất cứ người con trai con gái nào được sinh ra từ núi, hưởng thụ trong không gian của núi rừng cũng đều rắn rỏi, mạnh mẽ như cây như đá. Ở chốn yên bình đó có sự hồi sinh, nảy nở và vươn lên không ngừng.
Sau những lần đi rừng cùng đám bạn trong bản, tôi từ một đứa vụng về, nhút nhát đã mạnh dạn hơn, tôi không còn sợ vấp ngã bởi dây rừng, hay thảng thốt giật mình khi chạm phải con sâu róm. Giữa bao la thuần khiết, vạn vật sinh tồn mãnh liệt, thoảng mùi hương của cỏ cây, của một loài hoa đơn sơ nào đó bên đường luôn khiến tôi không biết mệt. Đi giữa ngàn trùng, đôi khi chúng tôi cảm thấy sợ hãi nhưng đó cũng là lúc nhận ra sức mạnh của đồng đội và tình đoàn kết. Những đứa trẻ thân nhau và hiểu nhau hơn từ những chuyến đi rừng. Tựa như khóm chuối rừng bao bọc lấy nhau thành cụm rồi thành một vạt đồi, những thân cây mảnh mai như thể đã vắt kiệt mình cho bông hoa thắm đỏ, những bông hoa cháy rực hết tháng này đến tháng khác, bền bỉ đi qua sương nắng như những đốm lửa nhiệt thành. Sức mạnh phi thường ấy khiến tôi liên tưởng đến cô gái miền rừng hiền lành, chân chất và cũng rất mạnh mẽ. Trong những năm tháng đất nước còn gian lao, các bà các mẹ quê tôi lên rừng phát nương tra lúa, bàn chân phăm phăm vượt lên những con dốc cao lút mắt cõng củ mài, củ sắn về nuôi con để chồng yên tâm ra mặt trận.
Trong guồng quay tất bật của cuộc sống, đôi khi tôi quên lãng mạn để yêu một nhành hoa dại, quên chậm rãi để cảm nhận một bài thơ hay, quên cả thương một ai đó hoặc ngay cả chính bản thân mình, trượt dài trong sự mệt mỏi và nỗi buồn mơ hồ không rõ mặt. Những lúc đó hình ảnh khu rừng tươi mát cùng những kí ức trẻ thơ trong trẻo lại trở về trong ý nghĩ, lòng can đảm trong tôi lại lóe lên, vực dậy muôn vàn yếu đuối. Mọi sợ hãi trong giấc mơ dị thường, mọi lo âu, căng thẳng trong guồng quay tất bật của cuộc sống dần lắng dịu để nhường chỗ cho nỗi an yên bình dị.
Tôi về thăm bản nhỏ của mình mà nao lòng nhớ về ký ức những ngày ấu thơ trong vòng tay của tình rừng. Con đường nhỏ dẫn vào rừng phía sau nhà rộn tiếng bước chân người, họ cùng nhau mang trên vai mùa xuân của miền sơn cước. Và tôi biết, dưới lớp đất ẩm trên đồi, từng mầm măng cũng đang cựa mình nhú lên.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tinh-rung-609927