Tình sâu như nước Hồng Hà – Cửu Long

Mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào đã được hình thành và hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước dày công vun đắp, là quy luật phát triển, nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng mỗi nước, là tài sản vô giá của hai dân tộc.

Nhận đỡ đầu và tặng quà cho sinh viên Lào đang theo học tại Trường Đại học Đà Lạt

Nhận đỡ đầu và tặng quà cho sinh viên Lào đang theo học tại Trường Đại học Đà Lạt

Nhìn lại trang sử hào hùng đã qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có ấy giữa hai dân tộc. Ngày 05/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước.

Liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào ngày càng được tăng cường và dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những năm tháng gian khổ nhưng đầy vinh quang, cùng góp phần to lớn giúp Nhân dân và các lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân 1975 của Việt Nam và Chiến thắng ngày 02/12/1975 của Lào.

Bước vào thời kỳ mới, quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào không ngừng được nâng lên tầm cao mới. Ngày 18/7/1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển giữa hai nước.

Nhờ đó, quan hệ giữa hai nước không ngừng phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hai bên duy trì đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực; hợp tác quốc phòng, an ninh, ngoại giao và phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực tiếp tục được tăng cường; hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương ngày càng được đẩy mạnh.

Đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,37 tỷ USD trong năm 2021, trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 558,2 triệu USD (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021); vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD (năm 2021) tăng 33,3% so với năm 2020. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, hai bên cũng giành cho nhau sự chia sẻ và hỗ trợ kịp thời, thiết thực, góp phần ngăn chặn dịch bệnh, cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội tại mỗi nước.

Về phía địa phương, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai Biên bản hợp tác giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Chính quyền tỉnh Champasak và Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Chính quyền tỉnh Bolykhamxay. Hiện, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận 27 du học sinh Lào đang học tại Trường Đại học Đà Lạt; trong đó, có 2 sinh viên đã tốt nghiệp và về nước làm việc.

Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng cùng với hai tỉnh Champasak và Bolykhamxay đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn. Tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư, chuyển giao kỹ thuật nuôi cá nước lạnh, kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả Trường năng khiếu hữu nghị Champasak - Lâm Đồng, biệt phái 2 giáo viên sang dạy tiếng Việt tại Trường; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã kết nghĩa với Hội Liên hiệp phụ nữ hai tỉnh, thành lập Câu lạc bộ nữ doanh nhân đầu tư tại Lào; Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chuyển Điện thăm hỏi và hỗ trợ Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Attapeu khắc phục khó khăn sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi cũng như hỗ trợ tỉnh Champasak và tỉnh Bolykhamxay bị ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, Đảng và Chính phủ hai nước đã lấy năm 2022 là Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Từ năm 2021 đến nay, đã có nhiều hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước với nhiều chương trình có ý nghĩa, thiết thực; trong đó, có chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (tháng 8/2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 5/2022); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (tháng 6/2021)...

Điều đó, tiếp tục khẳng định tình đoàn kết, gắn bó, tin cậy, thủy chung, trong sáng, trước sau như một giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước, cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, Lâm Đồng có gần 1.000 người từng tham gia kháng chiến ở chiến trường Lào, đã có 7/12 huyện thành, thành phố ra mắt thành lập Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Lào. Với vai trò là cầu nối trong các hoạt động đối ngoại Nhân dân, hàng năm, Hội có nhiều hoạt động thiết thực như phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức chương trình gặp mặt đầu Xuân cho sinh viên, sĩ quan Lào; tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay Lào; đồng thời, phối hợp đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm, làm việc tại tỉnh; tổ chức cho sinh viên Lào thăm Khu dự trữ sinh quyển Langbiang; tổ chức thăm hỏi, động viên các em khi ốm đau, gia đình có tin buồn…; vận động, tổ chức lễ nhận đỡ đầu cho các gia đình với 27 sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Đà Lạt; vận động các gia đình nhận đỡ đầu ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm hỗ trợ các sinh viên khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Trong thời gian tới, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào; tổ chức phát hành tập sách “Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào, 60 năm nghĩa nặng tình sâu”; giới thiệu những tấm gương tiêu biểu trong quá trình chiến đấu ở Lào, qua đó ổn định tổ chức, phát triển hội viên, kể cả những người yêu mến đất nước Lào vào tổ chức Hội; quan tâm, hỗ trợ, động viên các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; động viên, tập hợp các doanh nhân trên địa bàn tỉnh đang sản xuất kinh doanh ở Lào hoặc có nhu cầu mở rộng hợp tác với nước bạn để thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam - Lào nhằm góp phần hỗ trợ hoạt động của Hội và làm sâu sắc hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, vĩ đại giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt - Lào.

NGUYỄN BẠN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202207/tinh-sau-nhu-nuoc-hong-ha-cuu-long-3124108/