Tỉnh Sóc Trăng công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
Sáng 9/10, tỉnh Sóc Trăng tổ chức trọng thể Lễ công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự Lễ công bố có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Cùng dự còn có Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các thế hệ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.
Tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định Quy hoạch của Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đạt khoảng 124 triệu đồng. Giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; trong đó, giảm tỉ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm.
Phát biểu tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chúc mừng Sóc Trăng là một trong hai tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng khẩn trương triển khai quy hoạch gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương nhất là Nghị quyết XIII của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Quy hoạch tối đa và sử dụng các nguồn lực để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiệu quả. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào cuộc sống; Khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và chăm lo đời sống nhân dân.