Tỉnh táo để không rơi vào 'bẫy' vay tiền trực tuyến qua app
Vay tiền trực tuyến qua ứng dụng điện thoại (app) đã khiến nhiều người dân ở Hà Tĩnh 'dở khóc dở cười'. Cơ quan chức năng cảnh báo người dân không nên sử dụng dịch vụ này nếu không muốn dây dưa, phiền phức.
Thời gian gần đây, lãnh đạo và nhân viên một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh thường xuyên bị các đối tượng lạ gọi điện, nhắn tin, cắt ghép hình ảnh cá nhân, đăng tải thông tin sai sự thật, bôi nhọ trên mạng xã hội để đòi nợ cho dù không vay tiền.
Thầy Đặng Thái Mân - Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (đóng tại địa bàn Hương Khê) cho biết: “Tháng 5/2022, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhà trường và 2 tổ trưởng chuyên môn của trường “tá hỏa” khi bị một tài khoản facebook đăng tải lên mạng xã hội thông tin sai sự thật. Facebook này đưa tên, hình ảnh kèm theo số điện thoại, email… của các thầy cô lên mạng xã hội với nội dung “Truy tìm các giáo viên lừa đảo đang trốn ở Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh” và vu khống các thầy cô cấu kết lừa đảo mượn tiền không trả. Hành vi này đã ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhà trường và các thầy cô. Chúng tôi đã trình báo cơ quan công an đề nghị điều tra, làm rõ”.
Được biết, sự vụ xuất phát từ việc thầy T. - giáo viên của trường vay tiền của một công ty tài chính, quá hạn nhưng chưa trả đủ, khiến nhiều giáo viên trong trường bị khủng bố, đòi nợ.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, mới đây, một số lãnh đạo phòng GD&ĐT và hiệu trưởng các trường học tại huyện Lộc Hà cũng bị nhiều số lạ gọi điện đòi nợ, bị nhiều tài khoản facebook bịa đặt, bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc một chuyên viên của Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà từng vay nợ một công ty tài chính. Người này hiện đã trả hết nợ, song, các số điện thoại lạ vẫn liên tục gọi điện quấy rầy.
Đây là 2 trong số các vụ việc “lùm xùm” ở Hà Tĩnh liên quan đến vay tiền qua app. Lãnh đạo các đơn vị này đã trình báo cơ quan chức năng. Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với công an các huyện Lộc Hà, Hương Khê vào cuộc điều tra, làm rõ.
Vay tiền qua app là hình thức vay khá phổ biến và được ưu chuộng hiện nay. Dưới hình thức vay này, người vay chỉ cần tạo ra một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng và đồng ý với các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn).
Đặc biệt, người vay chỉ cần chấp nhận điều khoản về việc người vay tiền đồng ý cho ứng dụng truy cập vào danh bạ trên điện thoại di động hoặc cung cấp số điện thoại, họ tên người thân, lãnh đạo cơ quan. Sau khi hoàn tất các điều kiện, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản người vay với mức lãi suất cho vay cao hơn nhiều so với thông báo khi làm hồ sơ vay, rất dễ dẫn tới việc người vay tiền mất khả năng trả nợ.
Thượng úy Hoàng Văn Vỵ - Phó Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội (Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Hà Tĩnh) cho biết: “Vay tiền qua app, khi đến kỳ hạn trả nợ, nếu người vay chậm trả hoặc không trả, các đối tượng sẽ đòi nợ bằng cách đăng tải các bài viết, hình ảnh lên mạng xã hội để bôi nhọ người vay, thậm chí gây áp lực cho người thân, đồng nghiệp, lãnh đạo nơi công tác; ảnh hưởng uy tín, danh dự cá nhân, cơ quan, đơn vị và gây dư luận xấu trong xã hội”.
Thực tế cho thấy, hiện có “hằng hà sa số” những địa chỉ cho vay trực tuyến dưới danh nghĩa là các công ty tài chính. Điều đáng nói, việc vay tiền qua app không chỉ gây phiền hà cho người dân mà chính các tổ chức tín dụng cũng bị ảnh hưởng.
Ông Võ Văn Nhất - Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: “Hiện nay, một số tổ chức tài chính vi mô thuộc một số tổ chức tín dụng hoạt động không bài bản, cho vay nhỏ lẻ. Nhiều người dân sau khi vay tiền qua app, không trả được hoặc chưa trả tiền dẫn đến việc các khoản nợ của khách hàng ở các ngân hàng khác cũng bị chuyển nhóm (nợ quá hạn, nợ xấu - PV). Thông qua sự phân tích, phân loại nợ của trung tâm thông tin tín dụng, kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng các khoản vay của khách hàng hằng tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ không phản ánh đúng thực chất, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng nợ của chi nhánh".
Thiếu tá Nguyễn Công Hiếu - Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội (Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh) khuyến cáo: “Người dân không nên vay tiền qua app. Trường hợp bị các đối tượng gọi điện quấy rối nhằm tạo sức ép người vay tiền phải trả nợ thì cần ghi âm cuộc gọi, thu thập thông tin số điện thoại, tố cáo hành vi quấy rối qua điện thoại với cơ quan công an, nhà mạng để yêu cầu xử lý”.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền để định hướng người dân tiếp cận kênh tín dụng hợp pháp của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tuy vậy, nhiều người vẫn chọn vay tiền qua app vì thủ tục linh hoạt, không cần thế chấp tài sản.
Điều đáng bàn, dù tiện đến đâu thì người dân cũng suy xét kỹ lưỡng các điều khoản, nhất là khi vay qua app, khách hàng sẽ phải chịu lãi suất cao.
Theo một số ý kiến của chuyên gia tài chính, có thể coi đây là 1 dạng tín dụng “đen” trá hình.
Hiện nay, các ngân hàng đang triển khai nhiều gói vay phục vụ tiêu dùng với lãi suất phù hợp, góp phần hạn chế tín dụng đen. Do vậy, khi có nhu cầu, người dân nên tìm tới các ngân hàng có trụ sở trên địa bàn Hà Tĩnh để được vay tiền với lãi suất do NHNN quy định; không để vướng vào hoạt động tín dụng “đen” làm ảnh hưởng đến bản thân, gia đình, đồng nghiệp.