Tỉnh táo để tận dụng cơ hội
Ngày 6-9, hơn 300 đại biểu tham dự Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2019, chủ đề 'Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu - cơ hội thúc đẩy quan hệ thuơng mại, đầu tư song phương', do Bộ Công thương phối hợp với Phòng Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Amcham) tổ chức.
Một trong những vấn đề được đặt ra, đó là Việt Nam đang đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng, liệu Việt Nam có phải là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại hiện nay?
Biểu hiện rõ sự dịch chuyển về thương mại, đầu tư
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là cuộc chiến giữa 2 nước nên tác động trực tiếp đến 2 nền kinh tế. Tuy nhiên, do đây là 2 nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới nên sẽ tác động đến toàn cầu, đến tất cả các nước, đặc biệt là những nước như Việt Nam với độ mở kinh tế rất cao, trong khi Trung Quốc và Mỹ lại là 2 đối tác quan trọng bậc nhất trong hợp tác đầu tư và thương mại của Việt Nam.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Amcham tại Việt Nam, có cùng quan điểm, không ai có thể đưa ra dự báo đến khi nào thì cuộc chiến sẽ kết thúc, nhưng mức độ ảnh hưởng đã lan trên diện rộng, tới nhiều thành phần doanh nghiệp (DN). Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể có nhiều cơ hội để tìm hiểu thị trường Mỹ, đa dạng hóa nguồn cung.
Các DN Mỹ cũng đang tổ chức nhiều hơn các đợt tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam để bù vào khoản thiếu hụt của DN tại Trung Quốc. Amcham đang tích cực phối hợp, tăng cường thảo luận để tìm cách giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn về hạ tầng, minh bạch hóa trong đầu tư, để đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư hiệu quả cho DN Mỹ.
Bàn về khả năng dịch chuyển thương mại và đầu tư, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới - Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), phân tích, mặc dù thông tin chưa rõ ràng cho dài hạn, song trong ngắn hạn thì dòng vốn FDI vào Trung Quốc vẫn rất lớn. Đã có dấu hiệu bùng nổ FDI vào Việt Nam để tránh thuế.
Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều yếu tố hỗ trợ cho dịch chuyển như chính trị thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lao động vẫn tương đối rẻ, thị trường nội địa tiềm năng với thu nhập tăng nhanh, nhiều FTA có hiệu lực nên gia tăng cơ hội xuất khẩu. Theo ông Thắng, những lĩnh vực tiềm năng có thể đầu tư vào Việt Nam là thiết bị điện, điện tử, viễn thông, thiết bị y tế, dệt may, da giày - công nghiệp hỗ trợ, ô tô, năng lượng và thiết bị.
Cẩn trọng để tránh bẫy từ cuộc thương chiến
Bên cạnh dòng vốn FDI, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra lỗ hổng thị trường lớn, DN Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác trong ngắn hạn. Chẳng hạn, DN Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu vào Mỹ ở 12 nhóm hàng thực phẩm chế biến như thịt, động vật giáp sát, rau quả..., vì nằm ở mức thuế không cao và thị phần không nhiều, nên là cơ hội lớn cho DN Việt.
Tổng quan trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Mỹ đã đạt tới 35,4 tỷ USD. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt, từ vị trí thứ 12 (năm 2018) lên thứ 9 (ngay đầu năm 2019) trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu vào Mỹ. Việt Nam cũng trở thành thị trường lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của nước này.
Bình luận về diễn biến của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Amcham Hà Nội, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam, cho biết trạng thái của nguời Mỹ tại Washington là rất cẩn trọng và đề phòng, khó tiên lượng bao lâu sẽ kết thúc. Có vẻ Trung Quốc có thể trụ nổi trong một thời gian nữa, còn Mỹ cũng sắp tới kỳ bầu cử, nên rất khó lường.
Trên thực tế, người Mỹ mong muốn cuộc chiến sẽ khiến Trung Quốc thay đổi các chính sách về đầu tư, kiểm soát được dòng tiền của nước này. Khi bàn về cuộc chiến, không nên quan tâm đến thuế quan mà còn nhiều vấn đề khác nữa. Ý tưởng của Tổng thống Mỹ khi tiến hành cuộc chiến là mang DN Mỹ về Mỹ (chứ không phải mang DN Mỹ đến Việt Nam) để hướng đến dân tộc chủ nghĩa, thực hiện chính sách bảo hộ trong toàn cầu hóa.
Cần ý thức Việt Nam không phải là đối tượng hưởng lợi từ cuộc chiến, nên cần hết sức cẩn trọng. Theo bà Virginia Foote, các DN Việt Nam cần phải năng động hơn. Trong ngắn hạn và dài hạn, Việt Nam nên theo đuổi sản xuất sạch, năng lượng sạch và hình thành các chuỗi liên kết bền vững. Nếu không tỉnh táo, cơ hội cũng chính là thách thức.
Để tránh tình trạng bị vạ lây, nhiều ý kiến cho rằng, cần chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Nghiên cứu tận dụng làn sóng dịch chuyển với cổ phần hóa, đầu tư theo hình thức M&A. Nghiên cứu tận dụng cơ hội cũng như các thách thức để cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về dự phòng rủi ro DN đầu tư trong nước cũng như xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, thực hiện hiệu quả phòng vệ thương mại. Tiếp tục hoàn thiện các khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/tinh-tao-de-tan-dung-co-hoi-71968.html