Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc Nghị định 168 - Bài 3: Nghiêm minh, nhân văn vì cuộc sống tươi đẹp

Nghị định 168 đã tác động sâu sắc đến nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông và là cơ sở quan trọng để hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Pháp luật nghiêm minh là yếu tố cốt lõi

Chị Đặng Thị Hoài, một người làm nghiên cứu sinh 2 năm ở Mỹ cho biết, người tham gia giao thông tại Mỹ có sự khác biệt khá lớn so với ở Việt Nam. "Tại Mỹ, khi lưu thông ở ngã tư, khi đỗ đèn đỏ họ đỗ quy củ, đảm bảo không đứng chắn giữa đường. Nếu không sẽ bị xử phạt vì hành vi cản trở giao thông. Khi bị kẹt xe, lái xe bên Mỹ họ thường lùi về phía sau, hoặc dừng lại nhường cho xe khác đi trước, giúp lưu thông nhanh, giảm thời gian ùn tắc", chị Đặng Thị Hoài chia sẻ.

Tương tự, tại Nhật Bản, ý thức người tham gia giao thông cũng rất cao. Anh Phạm Văn Vinh, người đang sinh sống 8 năm tại Nhật Bản cho biết, người lái xe tại Nhật luôn tuân thủ luật giao thông.

"Họ luôn đứng chờ đèn đỏ, sử dụng đèn tín hiệu để xin đường. Không bao giờ thấy hiện tượng lái xe “vượt ẩu” tại đất nước Nhật Bản, vì họ rất coi trọng sự an toàn. Khi đợi tàu điện, người Nhật luôn xếp hàng ngăn nắp. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy hiện tượng chen lấn, xô đẩy đợi tàu tại Nhật Bản. Khi hàng khách xuống tàu, người đợi tàu sẽ đứng sang hai bên để hành khách xuống”, anh Phạm Văn Vinh chia sẻ.

Vậy vì sao các nước phát triển, chúng ta có thể cảm nhận được văn minh hiện đại ngay ở… ngoài đường phố? Theo các chuyên gia giao thông, ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... sự nghiêm minh của pháp luật là yếu tố cốt lõi để đảm bảo trật tự xã hội và an toàn giao thông. Nói cách khác, ý thức của mỗi người dân kết hợp với tính răn đe mạnh mẽ của pháp luật đã tạo nên sự văn minh của đất nước họ.

Chính vì vậy, các quốc gia này đã giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, tạo nên hình ảnh đẹp của một quốc gia văn minh khi du khách thập phương đến du lịch, học tập, làm việc...

Tại Việt Nam, những ngày này, các nút giao thông giao cắt, các ngã ba, nga tư… ở các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, chúng ta thấy được sự chuyển biến tích cực trong văn hóa tham gia giao thông của người dân so với thời gian trước.

Các hoạt động tham gia giao thông đông đúc nơi có lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, các phương tiện tham gia giao thông đã thực hiện theo háng lối ngăn nắp, trật tự và dừng đúng vạch không khác gì hình ảnh ở các nước phát triển. Đây chính là các tín hiệu tích cực từ việc áp dụng mức xử phạt cao theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ (Nghị định 168) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Thực tế cho thấy, sau gần 3 tuần Nghị định 168 đi vào cuộc sống, tại nhiều ngã tư, nơi thường xuyên xuất hiện xung đột giao thông tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ý thức chấp hành tín hiệu đèn giao thông được thực hiện nghiêm túc hơn. Các lỗi thường gặp như đi trên vỉa hè, vượt đèn đỏ, dừng đúng vạch… đã không còn phổ biến như trước.

 Sau khi Nghị định 168 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, ý thức người tham gia giao thông đã chuyển biến rõ nét. Trong ảnh là nút giao thông Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu (Hà Nội).

Sau khi Nghị định 168 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, ý thức người tham gia giao thông đã chuyển biến rõ nét. Trong ảnh là nút giao thông Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu (Hà Nội).

Anh Lã Văn Tuấn, một lái xe công nghệ hai bánh ở khu vực Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, cánh lái xe công nghệ tại Hà Nội bớt đi ẩu hơn so với thời gian trước.

“Nếu như trước đây, nhiều lái xe công nghệ có thói quen chạy ẩu, đi vội, thậm chí thường xuyên vượt đèn đỏ để sao cho đón trả khách nhanh nhất để tìm kiếm chuyến mới. Nhưng từ khi có Nghị định 168, các lái xe công nghệ chúng tôi “rén” hơn rất nhiều vì mức phạt tương đối nặng và việc chấp hành giao thông nghiêm túc hơn”, anh Lã Văn Tuấn cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) đánh giá, từ khi triển khai Nghị định 168 với mức phạt mới, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đã thay đổi tốt hơn.

Tại nhiều ngã tư thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 6 quản lý, tình trạng vi phạm giao thông với lỗi đi lên vỉa hè, dừng đúng vạch, vượt đèn đỏ… đã giảm đáng kể so với trước đây. Tình trạng ùn tắc tại một số tuyến phố cũng đã được cải thiện, các phương tiện di chuyển theo hướng tuần tự, an toàn và thuận lợi hơn. Hoạt động vận tải chở khách cũng đã hạn chế đáng kể các lỗi vi phạm thường gặp.

“Từ việc người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông sẽ từng bước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải, hạn chế còn tình trạng tranh giành khách, không còn xe quá khổ, quá tải, tình trạng xe khách nhồi nhét khách, bắt khách dọc đường sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới”, Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 nhận định.

Trên phạm vi toàn quốc, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) cho biết, kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, các phương thức vận tải đã có những cải thiện tích tực. Tình hình tai nạn giao thông đã có những chuyển biến rõ nét, trong đó có 3 yếu tố chính giảm đáng kể như số người tử vong, số vụ tai nạn giao thông và số người bị thương.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực (tính từ ngày 1-14/1/2025), toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết, 453 người bị thương; so với cùng kỳ giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41%), giảm 426 người bị thương (-34,24%); so với kỳ liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%).

“Có thể nói, Nghị định 168 đi vào cuộc sống đã có tác động sâu sắc đến nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông và đây chính là cơ sở để dần hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng, thay đổi những thói quen xấu khi tham gia giao thông mà bấy lâu nay đã làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước trong mắt đối tác và du khách nước ngoài”, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an - cho hay.

Phổ biến pháp luật để người dân thấm nhuần và tự giác

Theo chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, có thể nói, Nghị định 168 ra đời về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng ghi nhận rất nhiều ý kiến của nhân dân về mức xử phạt hơi cao. Nhưng chúng ta phải nhìn lại công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cơ bản đã được kiềm chế và giải quyết được những vấn đề cơ bản.

"Rõ ràng sự ra đời của Nghị định 168 dù mới được 3 tuần nhưng chúng ta nhìn thấy được hiệu quả của việc thực thi luật rất thành công. Ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông hiện nay rất tốt. Người lái xe ô tô, xe gắn máy đều dừng trước vạch dừng rất ngăn nắp, nề nếp. Khi đó, các phương tiện tham gia giao thông qua các giao lộ rất trật tự, tuần tự. Đấy là tiền đề để chúng ta giải quyết vấn đề an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông và giảm ùn tắc giao thông”, TS. Khương Kim Tạo đánh giá.

Chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia. Ảnh: Phạm Huyền

Chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia. Ảnh: Phạm Huyền

TS. Khương Kim Tạo cho rằng, với những chuyển biến tích cực từ thực tế trên, đây cũng là tiền đề bước đầu để chúng ta triển khai công tác xây dựng văn hóa giao thông. Bởi thực tế, xây dựng văn hóa giao thông chúng ta đã triển khai từ năm 2010, đến nay, chúng ta đã triển khai được 14 năm, nhưng hiệu quả chưa được rõ rệt.

“Văn hóa giao thông phải triển khai song hành với vấn đề chấp hành luật của người tham gia giao thông. Nói đúng hơn, việc tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông là nòng cốt, là cái nền, là dựa cột để Việt Nam xây dựng văn hóa giao thông. Nếu không có ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông thì chúng ta không thể nào xây dựng được văn hóa giao thông”, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Khương Kim Tạo, song song vấn đề triển khai, siết chặt để người tham gia giao thông chấp hành pháp luật, chúng ta vẫn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trật tự an toàn giao thông để người dân thấm nhuần và tự giác chấp hành theo pháp luật.

“Khi người dân đã biến các hành vi tuân thủ pháp luật trật tự an toàn giao thông thành một phản xạ tự nhiên sẽ tạo thành văn hóa và khi đó công tác đảm bảo an toàn giao thông mới được giảm thiểu một cách bền vững”, TS. Khương Kim Tạo nêu rõ.

Nghị định 168 bảo đảm nghiêm minh, nhân văn

Có thể nói, Nghị định 168 có rất nhiều mặt tích cực và tăng sức răn đe với các hành vi nguy hiểm, những hành vi cố tình vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng như hành vi chạy quá tốc độ, chạy ngược chiều trên đường cao tốc, uống rượu bia khi lái xe… Ngược lại, Nghị định 168 cũng có tính nhân văn rất cao.

Cụ thể, nếu như trước đây một số hành vi vi phạm ở mức trung bình đã bị tước giấy phép lái xe, mức xử phạt cao nhất lên đến 24 tháng. Nhưng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ hiện nay, đối với hành vi vi phạm ở mức trung bình chỉ bị trừ điểm trên giấy phép lái xe. Như vậy, luật vẫn tạo điều kiện cho những người lái xe có cơ hội hành nghề tiếp. Người lái xe kinh doanh vận tải vẫn có “cơ” để lao động kiếm tiền phục vụ cho mình và gia đình.

Ví dụ, quy định giấy phép lái xe có 12 điểm. Khi bị trừ đi dưới 12 điểm thì người lái xe sẽ có ý thức tuân thủ pháp luật để không bị trừ nữa. Nếu sau 12 tháng, người lái xe không mắc khuyến điểm nào thì điểm giấy phép lái xe lại được phục hồi như ban đầu. Rõ ràng Nghị định 168 vừa có tính nhân văn lại có tính giáo dục cao.

Một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông vẫn chưa chấp hành theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông vẫn chưa chấp hành theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Mặc dù Nghị định 168 bảo đảm tính nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, ngay sau đi được áp dụng đã mang lại những chuyển biến tích cực như vậy, tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn những băn khoăn, nhìn nhận thiếu toàn diện, thậm chí sai lệch về Nghị định 168.

Một trong những nội dung được bàn luận nhiều trong những ngày qua là vấn đề tắc đường. “Chúng ta triển khai Nghị định 168 vào thời điểm sát Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng lên. Từ đó, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc hơn. Bởi Nghị định 168 yêu cầu người dân tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông và người dân đã di chuyển rất nề nếp, trật tự và cũng là điều kiện để giảm ùn tắc giao thông, bảo đảo tài sản, tính mạng cho người dân là việc làm rất nhân văn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, TS. Khương Kim Tạo nêu ý kiến xoay quanh vấn đề ùn tắc tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội những ngày qua.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, quá trình thực hiện các quy định mới nói chung, Nghị định 168 nói riêng sẽ khó tránh khỏi việc động chạm đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức và ít nhiều tạo ra những phản ứng trái chiều. Nhưng vì mục tiêu chung, chúng ta vẫn phải làm, vẫn phải triển khai, thực hiện quyết liệt để tạo ra môi trường văn hóa giao thông lành mạnh.

Từ đó góp phần mang lại những giá trị tươi đẹp cho người dân với trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, văn hóa, văn minh đang được nâng lên cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy banan toàn giao thông quốc gia cho rằng, khi đề xuất ra mức xử phạt, những người làm luật căn cứ theo một số tiêu chí. Thứ nhất, tình hình an toàn giao thông ở lãnh thổ đó đang ở mức nào? Khi tình hình trật tự an toàn giao thông ở một lãnh thổ, quốc gia đang có mức độ vi phạm pháp luật nhiều thì người ta phải nâng cao mức phạt để tăng sức răn đe.

Cùng với đó, phải tăng cường công tác giáo dục, bởi công tác tuyên truyền, giáo dục là cốt lõi nhất. Công tác xử phạt sẽ nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục. Tức là, người dân sẽ chấp hành nhanh hơn và bền vững hơn.

Tuyên truyền giáo dục không có cưỡng chế thì hiệu quả công tác tuyên truyền thấp. Ngược lại, chỉ tuyên truyền mạnh, chế tài chưa đủ mạnh thì người tham gia giao thông có thể chấp hành nhưng không bền vững. Nếu chúng ta ngớt thực hiện công tác cưỡng chế, có thể quá trình tái vi phạm lại tái bùng phát.

“Vì thế, chúng ta phải làm quyết tâm, làm đến đâu duy trì và đạt mục tiêu đến đó. Quan trọng nhất là tuyên truyền giáo dục, cưỡng chế giao thông để làm sao cho mọi người dân biến những hành vi của mình thành nếp, thành phản xạ và hình thành văn hóa giao thông. Đây chính là tiền đề để chúng ta xây dựng văn hóa giao thông”, TS. Khương Kim Tạo nhận định.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-tao-truoc-luan-dieu-xuyen-tac-nghi-dinh-168-bai-3-nghiem-minh-nhan-van-vi-cuoc-song-tuoi-dep-370655.html