Tỉnh táo trước những thông tin xấu, độc trên mạng
Thời gian qua, những thông tin xấu, độc (thông tin sai trái, không đúng sự thật) trên mạng đã ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống, hành động của một bộ phận người dân cũng như xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Thời gian qua, những thông tin xấu, độc (thông tin sai trái, không đúng sự thật) trên mạng đã ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống, hành động của một bộ phận người dân cũng như xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân. Trước tình trạng đó, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo tiếp cận các thông tin khi tham gia mạng xã hội.
Không thể phủ nhận làn sóng của cuộc cách mạng 4.0 đã mang tới nhiều tác động tích cực cho sự phát triển của đời sống xã hội, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng xấu đến văn hóa truyền thống, an toàn xã hội và an ninh Quốc gia.
Thực tế, những thông tin xấu, độc khó ngăn chặn từ đầu mà các cơ quan chức năng chỉ có thể hậu kiểm, xử lý hậu quả.
Thống kê của Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh cho thấy: 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, làm rõ, xử lý 17 vụ/18 trường hợp liên quan đến tin xấu độc, tin sai sự thật. Trong đó, xử lý vi phạm hành chính 13 vụ/14 trường hợp, thu nộp ngân sách số tiền trên 71 triệu đồng. 4 trường hợp công dân vi phạm liên quan đến 4 vụ việc về tin xấu độc, sai sự thật cũng đã được lực lượng chức năng tổ chức giáo dục, kiểm điểm, răn đe, cam kết không tái phạm.
Điển hình là ngày 20/6/2023, Công an huyện Đồng Hỷ ra quyết định xử phạt hành chính một công dân với số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật" trên mạng xã hội. Theo điều tra của cơ quan Công an: Anh T.T.T., sinh năm 1980, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ), đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải nội dung sai sự thật, xuyên tạc về vụ việc một số đối tượng tấn công trụ sở UBND 2 xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong đó có những lời lẽ xúc phạm uy tín, danh dự lực lượng Công an. Tại cơ quan Công an, anh T. đã thừa nhận hành vi sai trái của mình, đồng thời gỡ bỏ bài viết và đăng thông tin cải chính.
Trước đó, ngày 17-5, Công an TP. Thái Nguyên ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với anh V.V.T., sinh năm 1986, ở tổ 10, phường Gia Sàng, về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật".
Theo kết quả xác minh của cơ quan Công an: Ngày 6 và 7/5/2023, anh T. sử dụng tài khoản “V.H.Đ.” để bình luận bài viết về kết quả thi viên chức giáo dục của TP. Thái Nguyên trên Facebook, cung cấp thông tin có người nhà tham gia thi tuyển “chạy” tiền nhưng vẫn trượt.
Bình luận của anh T. đã thu hút nhiều lượt tương tác, gây dư luận xấu trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức liên quan. Quá trình làm việc với cơ quan Công an, anh T. khai nhận toàn bộ bình luận anh bịa ra nhằm mục đích câu view bán hàng (anh T. đang kinh doanh nội thất, đồ chơi ô tô) và trêu đùa bạn bè. Anh T. không có bằng chứng chứng minh có tiêu cực liên quan đến kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục của TP. Thái Nguyên năm 2023.
Cơ quan Công an đã yêu cầu anh T. gỡ các bình luận trên và viết cam kết chấp hành quy định của pháp luật khi sử dụng mạng xã hội.
Hai trường hợp nói trên là những bài học cho mỗi công dân khi tham gia mạng xã hội, cần chấp hành các quy định của pháp luật, quy tắc ứng xử, chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, tin cậy. Đồng thời tuyệt đối không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang, thù địch, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân.
Thực tế cho thấy, với lượng thông tin “ngồn ngộn” mỗi ngày được đăng tải trên mạng xã hội hiện nay thì bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm để tỉnh táo tiếp nhận, sàng lọc các nguồn tin, không bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc.
Thượng tá Triệu Xuân Hiếu, Phó Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh, khuyến cáo: Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, mỗi người phải chủ động trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết. Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Đối với các thông tin trên mạng, nhất là thông tin nhạy cảm, liên quan đến an ninh trật tự thì phải kiểm chứng, đối chiếu với các nguồn tin từ các báo, trang thông tin chính thống, không vội vàng đưa tin, chia sẻ nhằm tránh trở thành người đưa tin sai sự thật phải chịu hậu quả pháp lý.
Mặt khác, mỗi công dân cần trang bị cho mình kỹ năng công nghệ - thông tin nhất định để chặn các nick ảo, lọc, xóa, báo xấu... các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan truyền dễ dàng. Đồng thời từng công dân cũng cần nắm rõ các quy định của Luật An ninh mạng để tránh những hành vi vi phạm có khi chỉ là vô tình nhưng gây ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân và xã hội; xây dựng cho mình một cách tiếp cận thông tin nhạy bén, hiệu quả, luôn cân nhắc khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, trước khi bình luận, chia sẻ…