Tỉnh táo trước thông tin bịa đặt về dịch bệnh
Công an TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi) người đã đưa thông tin, bình luận xuyên tạc 'người dân tự thiêu vì bức xúc cách chống dịch Covid-19' ở TP Thủ Đức, trên FB hôm 19/7.
Tỉnh táo trước thông tin bịa đặt
Trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhiều thông tin sai sự thật đã xuất hiện tràn lan trên MXH. Trưa ngày 14/7, Ban Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh đã phải phản bác lại thông tin lan truyền trên mạng về việc đóng cửa toàn TP, dẫn đến khan hiếm thực phẩm, kêu gọi người dân tích trữ, là thông tin sai sự thật, làm người dân hoang mang.
Hoặc chỉ vài ngày trước, rất nhiều người lo lắng khi MXH lan truyền bức ảnh nhiều thi thể bó gọn nằm la liệt trên sàn nhà, được chia sẻ là bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TP. Hồ Chí Minh! Nhưng ngay sau đó Trung tâm xử lý tin giả VN cho biết: đó là hình chụp các bệnh nhân Covid-19 ở nước ngoài, đã được đăng tải từ trước đó.
Thông tin thất thiệt về dịch bệnh đã rộ lên như “nấm mọc sau mưa” ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19. Chỉ trong năm 2020, hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên MXH đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 đã bị xử lý.
Nhân cơ hội ấy, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước, cùng một số hãng truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam đã xuyên tạc, rêu rao rằng “Việt Nam giấu dịch, bưng bít thông tin, không muốn cho bên ngoài và nhân dân biết tình hình, nên trấn áp những người dân đưa tin về dịch bệnh”!
Nhiều thông tin xấu độc xuất hiện trên internet, MXH tuyên truyền xuyên tạc các chính sách phòng chống dịch của Việt Nam. Như xuyên tạc Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ ngày 26/2/2021 về “mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19”. Hay lợi dụng sự việc một nhân viên y tế ở An Giang tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19, để kích động, kêu gọi tẩy chay tiêm vắc xin AstraZeneca, chống lại chiến dịch tiêm vắc xin của Chính phủ, tung tin virus đã biến chủng, việc tiêm văc xin AstraZeneca là không hiệu quả…
Đặc biệt gần đây lợi dụng diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 và việc Chính phủ thành lập “Quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19”, xuất hiện nhiều thông tin xấu độc chỉ trích Chính phủ, BCĐ quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, chính quyền địa phương “yếu kém, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác làm bùng phát đợt dịch lần thứ tư”; chỉ trích Chính phủ “chậm trễ trong việc tiêm phòng chống dịch Covid-19 cho người dân”; hay xuyên tạc chủ trương đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc xin của Chính phủ (xuyên tạc Chính phủ nhập vắc xin của “tàu”, Nga và ép nhân viên y tế làm “chuột bạch” thử nghiệm); tăng cường tung tin bịa đặt, chia sẻ, bình luận tiêu cực, gây hoang mang dư luận, hòng làm rối loạn xã hội, hạ thấp nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, các cấp, các ngành…
Tỉnh táo và cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin thất thiệt về dịch bệnh, không vô tình tiếp tay lan truyền, phát tán những thông tin bịa đặt, xấu độc ấy - đó là cách mỗi người có thể góp phần vào đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Đặng Dũng