Tỉnh táo trước thông tin tư vấn tuyển sinh 'độc hại'
Trên mạng lan truyền nhiều nhận định về chọn ngành nghề không có cơ sở khiến phụ huynh, học sinh hoang mang...
Nhiều phụ huynh, thí sinh hoang mang khi một số TikToker đăng tải clip hướng nghiệp cho rằng, các ngành học như: Marketing, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh… là “vô dụng nhất”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhận định trên không có cơ sở.
Nên sàng lọc thông tin
Dự kiến đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Anh của một số trường đại học, Nguyễn Thị Bình, xã Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) hoang mang khi thấy trên mạng xã hội có nhiều người chia sẻ thông tin về Ngôn ngữ Anh là một trong những ngành không cần học nhất. Nữ sinh rất bối rối trước thông tin này và không biết thực hư thế nào.
Đến từ TP Thái Bình, vợ chồng anh Trần Vượng định hướng cho con trai út vào ngành Quản trị kinh doanh, Marketing. Khi thấy một số TikToker “khuyến cáo” ngành này nằm trong danh sách “vô dụng nhất” nên gia đình có chút băn khoăn. Để hiểu bản chất vấn đề, anh Vượng đã chủ động liên hệ với các thầy, cô giáo, giảng viên trực tiếp giảng dạy ngành học này ở một số cơ sở giáo dục đại học.
Ngày 19/3, anh Vượng và con trai đã bắt xe lên Hà Nội để tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Tại đây hai bố con đã nhận được những lời tư vấn của các chuyên gia và có được thông tin đầy đủ, chính thống về ngành nghề đào tạo này của một số trường đại học. “Sau khi được tư vấn, gia đình đã yên tâm và động viên con cố gắng học tập để đạt được nguyện vọng như mong muốn” – anh Vượng bộc bạch.
Với hơn 30 năm thành lập và phát triển, mỗi năm, Khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Công đoàn đào tạo khoảng hơn 1.500 sinh viên. Trưởng khoa Hà Văn Sỹ nhấn mạnh, đây là con số biết nói, minh chứng cho sự phát triển và cần thiết đào tạo nhân sự thuộc lĩnh vực này. Vì thế, nếu đánh giá ngành học trên là “vô dụng”, không cần nghiên cứu, không cần học thì hoàn toàn không có cơ sở và không đúng bản chất.
“Đơn cử như Quản trị kinh doanh, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này vẫn cần nên nhiều trường mở mã ngành đào tạo. Nhất là hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh khởi nghiệp. Muốn quốc gia phát triển cần có những doanh nghiệp, doanh nhân. Đào tạo ngành quản trị kinh doanh nhằm tạo ra “tế bào kinh tế” cho đất nước” – TS Hà Văn Sỹ nhìn nhận.
Theo TS Hà Văn Sỹ, những ngành nghề mà một số TikToker đề cập trong video trên mạng xã hội gồm: Marketing, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh… đều là những chuyên ngành mang tính khoa học và cần thiết cho xã hội.
Tìm hiểu kênh chính thống
Phản biện với nhận định của một số TikToker về việc Ngôn ngữ Anh là một trong những ngành “vô dụng nhất”, TS Nguyễn Tất Thắng – Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) viện dẫn: Ngôn ngữ Anh đang là lựa chọn của nhiều thí sinh. Ngành học này phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội.
TS Nguyễn Tất Thắng phân tích, hiện nguồn nhân lực liên quan đến tiếng Anh như: Biên dịch, phiên dịch viên tiếng Anh, giáo viên tiếng Anh các cấp, nhân viên văn phòng giao dịch bằng tiếng Anh, điều phối viên dự án… còn thiếu rất nhiều. Đơn cử, hàng năm, các công ty, cơ quan đơn vị trong và ngoài nước; cơ sở giáo dục đặt hàng với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển dụng nhân sự ngành Ngôn ngữ Anh với số lượng lớn. Tuy nhiên, với quy mô đào tạo 570 sinh viên, Học viện mới đáp ứng được số lượng nhỏ nhân lực mà các đơn vị cần.
Cũng theo TS Nguyễn Tất Thắng, học ngành Ngôn ngữ Anh người học được rèn luyện và phát triển kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và rất năng động, tự tin, có khả năng thích ứng cao với các môi trường làm việc mới. Do đó, các em yên tâm lựa chọn đăng ký xét tuyển ngành học này nếu đủ đam mê, năng lực.
“Hiện trên mạng xã hội có nhiều thông tin, luận điệu sai trái, tiêu cực gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề trong đó có ngành Giáo dục. Phụ huynh và thí sinh cần xem xét, chắt lọc, nhìn nhận vấn đề theo hướng khách quan” - TS Nguyễn Tất Thắng khuyến cáo.
Khẳng định, từ những điều đơn giản nhất cũng cần phải học, ThS Phạm Văn Minh - Phó Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Nguyễn Trãi nhấn mạnh, chúng ta mất nhiều năm để nghiên cứu một môn học, ngành học. Khi được học kết hợp với trải nghiệm trong cuộc sống sẽ giúp học sinh, sinh viên hình thành kiến thức của riêng mình. “Nếu nói rằng không cần học vẫn có thể đi làm, không khác nào bịt mắt đi trên đường, có thể vấp ngã bất cứ lúc nào hoặc không biết đích đến” - ThS Phạm Văn Minh nêu quan điểm.
Theo ThS Minh, việc đào tạo lại sinh viên ở các ngành nêu trên khi ra trường là điều đương nhiên. Chúng ta hãy hình dung, khi có hàng nghìn doanh nghiệp với môi trường văn hóa, đặc điểm kinh doanh khác nhau. Ứng viên vào doanh nghiệp sẽ phải “nhập gia tùy tục”, vì thế việc doanh nghiệp phải đào tạo là điều dễ hiểu.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh, ThS Phạm Văn Minh cho rằng, trên mạng có nhiều thông tin khác nhau, điều quan trọng là cần tìm ra những nội dung hữu ích cho bản thân. Khi lựa chọn ngành nghề, các em cần tìm hiểu thông tin ở những kênh chính thống như: Chuyên gia tư vấn tuyển sinh, tham gia buổi hội thảo hướng nghiệp, báo chí chính thống, website của cơ sở đào tạo mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển… “Thông tin trên mạng xã hội có cả xấu và tốt. Vì thế, để không bị “tẩu hỏa nhập ma”, các em cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin này” - ThS Phạm Văn Minh khuyến cáo.