Tỉnh táo với 'ngành công nghiệp IELTS'

Bạn muốn giao tiếp bằng tiếng Anh hay ư? Mỉm cười và giúp cho người cùng giao tiếp cảm thấy vui vẻ và thoải mái, đây là một cách giao tiếp rất hay, rồi sau đó tự tìm hiểu cách tự học.

Một người phục vụ ở quán cafe quen hỏi tôi:

- “Anh ơi, em muốn học IELTS, nên học từ đâu hả anh”?

- “Em không biết tiếng Anh gì cả sao lại chọn học IELTS”?

Câu hỏi này khá là bình thường, nhiều người nghĩ họ cần học IELTS khi họ phải học tiếng Anh, nhất là tiếng Anh giao tiếp. Thực ra, IELTS chỉ là một cách kiểm tra khả năng tiếng Anh nhưng không phải là hay nhất hoặc có liên quan gì đến việc giao tiếp bằng tiếng Anh đâu.

Tôi thấy “thương hiệu” IELTS đã phát triển giống như một ngành công nghiệp, như một cách để “moi tiền” những người không hiểu rõ về việc học một ngôn ngữ thứ hai. Hãy xem, thời gian để thực sự học ngôn ngữ, đối với giao tiếp cơ bản, là khoảng 500 giờ; vậy mà nhiều bạn trẻ đang học từ 500 đến 2.000 giờ một năm nhưng hầu như không thể kết nối 4 câu với nhau trong một cuộc trò chuyện! Tôi cố gắng lý luận nhưng bạn phục vụ ở cafe không tin tôi đâu.

- “Em ơi, mình học ngôn ngữ để làm gì ha”?

- “Dạ để tìm công việc tốt”.

- Ý của anh là học tiếng Anh để giao tiếp chứ! Mà vấn đề của mấy giáo trình như IELTS nó làm mình đi xa giao tiếp với người khác thực sự, đặc biệt là mấy người không giỏi tiếng Anh mà lại lao vào lớp luyện IELTS.

Thông thường, kiến thức nền tảng như cánh cửa được mở ra giúp bạn tiến sâu hơn - nghĩa là mình nên hiểu hơn 60% tiếng Anh mới có thể hiểu những gì được phát triển thêm. Giống như khi xếp hàng, bạn cần phải đi theo thứ tự. Ngày nay, nhiều người như em phục vụ cafe bị lừa từ “công nghiệp IELTS”. IELTS tạo ra một sự mất kết nối khiến bạn rời xa giao tiếp thực tế. Trong quá trình nghiên cứu các phần khác nhau, có lẽ bạn có thể viết tốt hơn, thể hiện kiến thức về từ vựng và ngữ pháp siêu hơn, nhưng điều đó lại phản tác dụng trong giao tiếp. Những người học IELTS tốt giao tiếp như robot hay như A.I, nói được nhưng cảm giác không có linh hồn. Trước khi học, mỗi người nên biết “giao tiếp” là gì.

Trên thực tế, chúng ta học được cách nói trước công chúng, đó là nhờ Albert Mehrabian, một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể, người đầu tiên chia nhỏ phân tích các thành phần của một cuộc trò chuyện trực tiếp. Ông nhận thấy rằng giao tiếp bao gồm 55% phi ngôn ngữ, tức là liên quan đến ngôn ngữ cơ thể, vẻ mặt khi nói chuyện; 38% liên quan đến ngữ điệu như âm lượng, giọng nói, sự diễn cảm; chỉ có 7% liên quan đến ngôn từ. Vậy tại sao chúng ta lại tập trung quá nhiều thời gian vào ngữ pháp khi nó không cần thiết và thực sự là một trở ngại cho việc nói?

- “Em thích hát karaoke đúng không? Vậy thì nhạc là một kiểu giao tiếp rất chuẩn, không cần có đoạn văn mà qua âm thanh có thể hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc” - tôi khuyên bạn phục vụ cafe.

Khi mình nói chuyện với một người chỉ học tiếng Anh trong sách thì giống như họ bị lạc điệu trong bài hát, họ không dò đài để kết nối khi giao tiếp với một người. Tương tự, lúc đầu học tiếng Việt tôi cũng thấy rất là khó học trên sách. Mấy người bạn người Hàn Quốc và Nhật Bản cũng vậy, mỗi khi nói chuyện phải suy nghĩ rồi dịch sang tiếng Việt, không tự nhiên và rất khó hiểu. Đây là lý do tôi chọn sống ở Thái Bình lúc có cơ hội học tiếng Việt, tôi chú ý người ta giao tiếp như thế nào để học một cách thẩm thấu. Nên bây giờ tôi hay nói đùa với người Việt Nam khi gặp lần đầu tiên: “Xin thông cảm lúc tôi nói tiếng Việt, tôi mới học được… 10 năm thôi”. Tôi giao tiếp với người Việt Nam lâu hơn thời gian tôi được nói thực sự, bởi vì khi ngồi ăn, tôi nhìn họ nói chuyện là có thể hiểu nhiều từ cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể. Cách này có thể gọi là học hữu cơ, hay là học tự nhiên.

Mấu chốt của giao tiếp là sự tự nhiên, học ngoại ngữ qua giao tiếp không chỉ bằng lời nói mà còn qua cử chỉ, thái độ. Ảnh minh họa: Internet

Mấu chốt của giao tiếp là sự tự nhiên, học ngoại ngữ qua giao tiếp không chỉ bằng lời nói mà còn qua cử chỉ, thái độ. Ảnh minh họa: Internet

Ở Canada cũng có nhiều miền đặc biệt - đảo Newfoundland - người trên đảo này nói chuyện khá là khó hiểu, văn hóa cũng riêng biệt, ảnh hưởng từ khó khăn về thời tiết và vị trí địa lý. Họ thực sự nhắc nhở tôi về người miền Trung Việt Nam. Mặc dù tôi biết tiếng Việt, nhưng khi giao tiếp với họ vẫn khó khăn vì phát âm, chủ đề… họ nói khác nhau nhiều, mãi sau một thời gian nghe và giao tiếp với họ tôi mới có thể bắt chước được.

Một ví dụ hài hước là khi mình gặp người phương Tây, một phần giao tiếp của họ là bắt tay. Họ sẽ bắt tay khoảng 3 lần khá là mạnh. Mà tôi gặp một số người Việt Nam đã học tiếng Anh chào đón tôi bằng tiếng Anh, bắt tay nhẹ rồi lắc tay tôi một phút liên tục làm tôi thấy kỳ kỳ.

Đây là chính là vấn đề của giáo dục ngôn ngữ ở Việt Nam và cả Canada (dạy và học tiếng Pháp), chắc nhiều chỗ trên thế giới nữa: phức tạp, không vui, và không dạy cho mình cách giao tiếp với người khác trước. Thực sự giáo trình học tiếng Pháp ở Canada giống như học sinh ở Việt Nam học tiếng Anh, lãng phí rất nhiều thời gian, học sinh khó tập trung, rồi thấy mình không thông minh và mất tự tin, rất có hại.

Theo tôi, không cần học ngữ pháp nhiều, ngoại trừ những người muốn làm giáo viên. Hãy xem trẻ con khi học tiếng mẹ đẻ; xem tôi lúc đi phượt ở miền Trung nghe họ nói “Đi mô rứa” rồi bắt chước câu đó; xem thời gian học sinh Việt Nam ngồi trong phòng học ngữ pháp mấy năm - đủ thời gian học hơn 5 ngôn ngữ khác nhau, mà không thể giao tiếp đơn giản.

Stephen D. Krashen là một nhà ngôn ngữ học người Mỹ, ông gợi ý rằng sinh viên nên học nghe trong một hoặc hai năm trước khi cố gắng nói, nếu không phát âm sẽ không chính xác. Mình phải nghe rồi học họ cách dùng từ. Giỏi tiếng Anh đơn giản là bạn giỏi giao tiếp bằng tiếng Anh. Trường học cần dạy cách giao tiếp bằng tiếng Anh. Bạn hãy tưởng tượng đến một siêu năng lực có thể làm cho tất cả những người bạn gặp mỉm cười. Cuộc sống của bạn sẽ tốt biết bao nếu mọi người đều vui vẻ khi ở bên bạn vì bạn khiến họ cảm thấy tuyệt vời? Đó là kỹ năng cần thay thế ngữ pháp khi học ngôn ngữ.

Giáo trình nên tập trung vào kỹ năng như cách nói chuyện hay. Ví dụ, lúc mình gặp ai, khi nào nên nói cái gì. Bạn có bao giờ nói chuyện với ai về một chủ đề xa lạ, như bóng đá, rồi cảm thấy chán vì không theo được? Do vậy, lúc mình nói chuyện nên chọn chủ đề để cả hai đều thấy thú vị.

Thực sự, phương pháp học tiếng Anh hiệu quả phải “dò đúng đài” của người mình đang giao tiếp, phải trực quan. Nếu không, sau này khi ngành công nghiệp dược phẩm tiếp tục phát triển, các bậc phụ huynh sẽ bắt đầu cho học sinh uống "thuốc tập trung" và điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của học sinh. Trong khi đó, không phải là lỗi của học sinh, đó là sự nhàm chán của giáo trình!

IELTS tạo ra sự mất kết nối, khiến bạn rời xa giao tiếp thực tế, mải mê nghiên cứu các phần ngữ pháp khác nhau. Bạn có thể viết tốt hơn, thể hiện kiến thức về từ vựng và ngữ pháp, nhưng điều đó lại phản tác dụng trong giao tiếp.

Tôi viết bằng tiếng Việt như một công việc. Ngữ pháp của tôi không hoàn hảo, nhưng thành thật mà nói, tôi cố gắng nghĩ như người Việt Nam nói chuyện, nghe giọng nói của họ trong đầu và viết như vậy. Bởi vì chìa khóa để giao tiếp tốt không phải là nghe có vẻ phức tạp với từ vựng phức tạp; mà nó phải dễ hiểu, càng dễ hiểu càng tốt để có thể truyền đạt thông điệp của bạn.

Bạn muốn giao tiếp bằng tiếng Anh hay ư? Mỉm cười và giúp cho người cùng giao tiếp cảm thấy vui vẻ và thoải mái, đây là một cách giao tiếp rất hay, rồi sau đó tự tìm hiểu cách tự học. Không thì sẽ có rất nhiều trung tâm với nhiều phương pháp IELTS đặc biệt luôn sẵn sàng lãng phí thời gian cũng như tiền của bạn.

Jesse Peterson - Giáo viên tiếng Anh

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/tinh-tao-voi-nganh-cong-nghiep-ielts-post270597.html