Tinh tế, nón lá bàng xứ Huế

Từ những chiếc lá bàng rừng tưởng như bỏ đi, dưới bàn tay tài hoa của ông Võ Ngọc Hùng (trong ảnh, phường Kim Long, TP Huế, Thừa Thiên Huế) đã biến thành những chiếc nón lá cách điệu độc đáo. Nón lá bàng của ông Hùng được rất nhiều du khách thích thú, ưa chuộng và trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của xứ Huế.

Từ những chiếc lá bàng rừng tưởng như bỏ đi, dưới bàn tay tài hoa của ông Võ Ngọc Hùng (trong ảnh, phường Kim Long, TP Huế, Thừa Thiên Huế) đã biến thành những chiếc nón lá cách điệu độc đáo. Nón lá bàng của ông Hùng được rất nhiều du khách thích thú, ưa chuộng và trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của xứ Huế.

Ông Hùng tâm sự, tuổi trẻ, ông vật lộn với đủ thứ nghề để mưu sinh. Bấm đốt ngón tay, ông cười: Từ làm giấy, làm muối, bốc thuốc bắc cho đến thợ may…, tính ra tôi đã làm qua 28 nghề khác nhau. Cuối cùng tôi mới nhận ra mình có duyên với những nghề liên quan đến sự khéo léo, tỉ mỉ và lấy đó làm hướng đi để lập nghiệp lâu dài. Thế là tôi vẽ tranh, làm đồ gỗ. Tuy nhiên, những sản phẩm này trên thị trường có nhiều, nhất là ở một điểm đến du lịch như Huế cho nên rất khó cạnh tranh. Việc tìm ra một sản phẩm vừa mới lạ, vừa độc đáo, lại mang dấu ấn của Huế luôn ám ảnh tâm trí tôi. Cuối cùng, tôi đến với nghề làm nón lá bàng rừng một cách tình cờ...”.

Có lần ông thấy ở TP Huế, họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo đã làm ra chiếc nón lá truyền thống bằng lá sen được triển lãm tại Festival Huế. Sản phẩm này ngay lập tức tạo được sức lan tỏa. Lúc này, ông Hùng bắt đầu có ý định sẽ tạo ra sản phẩm cách tân từ nón lá truyền thống nhưng khác về chất liệu. Nghĩ là làm, đầu năm 2018, ông bắt đầu thử làm nón lá. Ban đầu, ông chọn lá bồ đề, lá sa-kê và nhiều loại lá khác và trải qua không dưới 30 lần thất bại. Đã có những lúc vì thiếu vốn, ông phải bán hai chiếc xe đạp ông rất yêu quý với giá 30 triệu đồng để tiếp tục theo đuổi cuộc hành trình. “Một lần đi chơi trong rừng ở xã Bình Điền, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế), tôi thấy lá bàng rừng có vẻ phù hợp để làm nón lá. Vì thế, tôi hái một vài lá về thử nghiệm và may mắn thành công”, ông Hùng chia sẻ.

Thế là, ngày cũng như đêm, ông Hùng dành hầu hết thời gian làm nón lá. Ban đầu, mỗi khi thiếu lá, ông lại vào rừng, leo lên cây bàng để hái. Sau này, ông sắm bộ dụng cụ với một cây sào dài giống dụng cụ của công nhân công viên cây xanh. “Đứng từ dưới, bấm, ở trên đầu sào có một cái kéo cắt lá. Tuy nhiên, không phải lá nào rơi xuống cũng đủ tiêu chuẩn để làm nón. Vì thế, tôi phải mua thêm thiết bị có gắn ca-mê-ra để cắt lá chính xác hơn. Chọn lá cũng phải có kinh nghiệm. Hồi mới làm, tôi chọn lá già, nhưng sau về ủ lại hỏng hết. Có lần đi gần 200 km nhưng cuối cùng chỉ hái được 12 chiếc lá bàng ưng ý. Sau đó, phải thuê người tìm lá. Tôi đến nhà đưa cho người ta mẫu lá, rồi hướng dẫn họ đi tới những gốc cây mà mình đã chọn, sau đó hái về. Tuy nhiên, cũng phải mất một thời gian dài những người mình thuê mới quen việc và hái được những chiếc lá đúng tiêu chuẩn”, ông Hùng nói.

Do đặc thù thời tiết ở Thừa Thiên Huế hay có mưa bão, chính vì vậy, thời điểm thuận lợi nhất để hái lá bàng rừng là vào tháng 3, tháng 4 hằng năm. Đó là mùa nắng, ít mưa dông, đi lại không sợ trơn trượt. Hơn nữa lá cây cũng khỏe, ít sâu mọt. Cây bàng rừng thường nằm ở gần những con suối, nhưng không tập trung cho nên việc đi hái tốn khá nhiều thời gian. Cứ thế ngày qua ngày, sau khi thu hoạch lá bàng về, ông Hùng lại cặm cụi nghiên cứu, pha chế các loại dung dịch, để thử nghiệm, rồi mới tìm ra bí quyết để ngâm xương lá thành công. Để rồi, từ những chiếc lá bàng rừng tưởng như bỏ đi, ông Hùng tạo hình thành những chiếc nón làm từ loại lá cây này một cách đầy ấn tượng và tinh tế.

Nhẹ nhàng, nâng niu từng chiếc lá khi nhấc ra khỏi chậu ngâm dung dịch, ông Hùng kể, trong tám công đoạn vất vả nhất là khâu chải xương lá. Ông phải dùng chiếc bàn chải đánh răng cẩn thận chải trên chiếc lá mỏng tang. Việc này phải chải theo chiều thuận của lá và cần hết sức tỉ mỉ bởi nếu sơ sảy, một đường sống lá bị rách thì bao công sức sẽ bỏ đi. Chiếc lá bàng rừng với những đường gân lá được giữ lại, tạo thành nhiều lớp mỏng nhưng chắc chắn, lạ mắt bởi khi mới nhìn cứ ngỡ là trong suốt, xuyên thấu. Khi có xương lá, ông Hùng tổng hợp lại và đem đến thợ chằm nón. Mỗi chiếc nón cần khoảng từ 13 đến 15 lá, tùy thuộc vào kích thước của lá to hay nhỏ, từ đó số lượng lá ít hay nhiều.

Vừa trò chuyện vừa đưa chúng tôi xem những chiếc lá mới đi hái về, ông phân tích: Lá bàng rừng để làm nón phải già, dày, gân lá phải cứng; mặt lá không rách, không sâu. Tiêu chuẩn độ dài từ đỉnh nón tới cuối nón phải đạt, còn nhỏ quá không thể làm được. Công đoạn chằm nón cũng cần những người thợ chuyên nghiệp thực hiện nhằm bảo đảm tính thẩm mỹ. Sản phẩm khi hoàn thiện có thể đi dưới mưa, không sợ bị ướt. Để chiếc nón bền với mưa nắng, thay vì chọn lớp dầu nón (làm nón đổi sang mầu vàng xỉn), ông Hùng chọn sơn bóng PU. Loại sơn này giúp giữ mầu thật của xương lá, vừa tăng sức chống chịu với thời tiết. Ông Hùng cho chúng tôi xem một chiếc nón đã thành phẩm được người thợ vừa mang vào để ông kiểm tra. Nhìn chiếc nón từ lá bàng rừng mỏng manh, trong suốt, như hiểu được thắc mắc của khách, ông Hùng cười: “Không rách được đâu. Đi mưa thoải mái, không lo ướt”. Nón lá của ông được đón nhận rất nhiệt tình, nhất là du khách ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có người đặt ông Hùng cả nghìn chiếc để xuất khẩu nhưng ông từ chối vì đây là hàng thủ công, không sản xuất hàng loạt được. Cả gia đình ông Hùng làm cật lực cũng chỉ sản xuất được 60 cái nón mỗi tháng với giá 450 nghìn đồng/nón.

Những lúc rảnh rỗi, ông Hùng thường nghiên cứu cách cải tiến sản phẩm, đồng thời sáng tạo ra các sản phẩm tranh vẽ trên xương lá bàng hay các mặt hàng lưu niệm khác cũng từ nguyên liệu lá bàng rừng. Vợ ông có nghề vẽ áo dài Huế, hai con gái ông làm nghề mỹ thuật đồ họa, chính vì vậy ông khuyến khích vợ cùng các con vẽ thêm hình trên nón thành phẩm, qua đó có thể đưa lên nón những hình ảnh danh lam thắng cảnh của xứ Huế như sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ… để làm cho nón lá bàng đẹp hơn, qua đó đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Hiện tại, cùng với ông Võ Ngọc Hùng còn có tám người thợ thực hiện các công đoạn để sản xuất nón lá cung cấp ra thị trường. Đây đều là trẻ em lang thang cơ nhỡ hoặc người có hoàn cảnh khó khăn. “Cũng muốn nhận thêm nhiều thợ nhưng tìm thợ khó lắm! Vừa có hoa tay, lại phải có tâm mới làm được việc này vì người mua đều là những khách hàng tinh tế, nếu làm giả hoặc làm không cẩn thận thì mất hết uy tín”, ông Hùng chia sẻ.

Bài, ảnh: CÔNG HẬU và TUẤN DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44588002-tinh-te-non-la-bang-xu-hue.html