Tinh tế với phong cách chuyển tiếp

Không quá phô trương, cũng chẳng quá hoài cổ, với sự kết hợp thú vị của phong cách chuyển tiếp (transitional style), không gian sống sẽ được cân bằng giữa quá khứ với hiện thực, giữa truyền thống và đương đại.

Các vật liệu từ mây, gỗ, da tạo nên dấu vết thời gian ấn tượng. Ảnh: Văn Trưởng

Các vật liệu từ mây, gỗ, da tạo nên dấu vết thời gian ấn tượng. Ảnh: Văn Trưởng

Theo kiến trúc sư (KTS) Công Thịnh, không chỉ dung hòa, tạo nên sự mạch lạc hoàn hảo giữa phong cách hiện đại và truyền thống, transitional style còn mang đến không gian gần gũi, ấm áp nhưng vẫn không kém phần tinh tế cho ngôi nhà.

KTS Công Thịnh cho biết: “Phong cách này ngày càng được yêu chuộng, nhất là sau đại dịch. Lý do là vì nhiều người mong muốn kết nối với ngôi nhà, nơi mang lại sự bình yên sau những biến cố. Chính cảm giác an toàn gắn bó với ký ức và tuổi thơ là điều mà nhiều người hướng đến”.

Với phong cách chuyển tiếp, quan trọng nhất là sự hài hòa của tổng thể màu sắc, kiến trúc và các sản phẩm nội thất. Trong đó, lựa chọn mang đến hiệu quả thị giác tốt nhất là các gam màu trung tính như xám, be, màu trắng ngà, màu kem, màu ghi. Sự tập trung vào những màu sắc trầm tĩnh này đã tạo nên lớp nền cần thiết để vừa mang đến sự trong trẻo và mới mẻ, vừa phô bật được những đường nét hoàn hảo trong kiến trúc, không gian và cả những sản phẩm nội thất đi kèm.

“Nhờ thế, trong transitional style, những đường cong tỉ mỉ của truyền thống và đường thẳng cá tính của thiết kế đương đại luôn có chỗ để phô bật vẻ đẹp của mình. Đó có thể là các ô cửa mái vòm, những mặt bàn với đường cong hoàn mỹ. Đó cũng có thể là các góc tường chỉn chu với viền cạnh thẳng đứng, sắc nét. Không chỉ được gia giảm, kết hợp hài hòa bởi màu sắc, chất liệu, sự kết nối, cân bằng giữa cái cũ và cái mới sẽ được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Đó chính là sức hấp dẫn và cũng là nét đẹp rất riêng của phong cách này”, anh Thịnh cho biết thêm.

Lựa chọn phong cách chuyển tiếp cho căn nhà của mình, chị Hiền (TP. Huế) chia sẻ: “Đa phần đồ nội thất mà tôi sử dụng đều mang nét cổ điển nhưng vẫn được tân trang để không quá “lạc quẻ” trong không gian phòng khách, phòng ăn. Những vật dụng này gợi cho tôi nhớ đến không gian những năm 80, 90 của thế kỷ XX, khi mà cả gia đình còn quây quần cùng nhau trong ngôi nhà ba gian ấm cúng”.

Cùng với sự tối giản, sử dụng màu sắc nhẹ nhàng, tinh tế, công năng của đồ nội thất trong phong cách chuyển tiếp cũng đã có sự thay đổi để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Không chỉ mang đến cảm giác an tâm cho gia chủ, phong cách chuyển tiếp còn tạo nên đời sống mới cho những đồ nội thất đã cũ. Đó cũng là tiêu chí “xanh”, thân thiện với môi trường được đánh giá cao của kiến trúc đương đại.

Bởi thế, dù không kém phần thoải mái, tiện nghi, căn nhà của chị Hiền vẫn mang đến cảm giác gần gũi, thân thiết. Để tạo thêm chiều sâu cho ngôi nhà, cùng với những sản phẩm nội thất mang phong cách hoài cổ, các vật liệu khác như mây, tre, gốm, vải, da cũng đã được chị khéo léo lồng ghép vào không gian sống, từ đó tạo nên dấu ấn của thời gian, góp phần tôn lên vẻ đẹp và sự hài hòa của ngôi nhà.

Đơn giản nhưng sang trọng và tiện tích, sự kết hợp hoàn hảo giữa cái cũ và cái mới đã tạo nên nét đặc biệt của phong cách chuyển tiếp. So với phong cách truyền thống, transitional style còn tạo nên được sự thông thoáng cần thiết để mỗi không gian nhỏ dễ “thở” hơn mà vẫn không mất đi sự liền mạch, nhất quán. “Vì thế, transitional style là lựa chọn rất phù hợp với các gia đình thời hiện đại, khi mỗi thành viên giữ được sự riêng tư cần có nhưng không gian sinh hoạt chung vẫn vô cùng rộng mở, không gò bó”, KTS. Công Thịnh chia sẻ.

Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/tinh-te-voi-phong-cach-chuyen-tiep-140672.html