Tinh thần chủ động, sáng tạo của các tổ chức đảng và nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi nhất của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia độc lập sau gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và phát-xít Nhật, đồng thời đoạn tuyệt với chế độ quân chủ chuyên chế, mở ra thời đại mới do nhân dân là chủ và làm chủ - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi nhất của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia độc lập sau gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và phát-xít Nhật, đồng thời đoạn tuyệt với chế độ quân chủ chuyên chế, mở ra thời đại mới do nhân dân là chủ và làm chủ - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
1. Mùa thu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ II chuẩn bị kết thúc, phát-xít Nhật phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh "đã đẩy quân Nhật đang chiếm đóng ở Ðông Dương vào tình thế tuyệt vọng, như rắn mất đầu (…) hoang mang dao động đến cực độ. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim vốn đã rệu rã, cô lập trước nhân dân, nay càng tê liệt". Những điều kiện để Tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra và thắng lợi ở Việt Nam đã thật sự chín muồi. Tuy nhiên, cuộc cách mạng Việt Nam vẫn đứng trước tình thế khó khăn; trước vận mệnh giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đòi hỏi Ðảng và nhân dân ta phải hành động kịp thời, khôn khéo và kiên quyết, huy động cao độ trí tuệ và sức mạnh của toàn dân, giành thắng lợi trong cuộc đua lịch sử giữa nhân dân ta với tập đoàn đế quốc và phản động.
2. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945 là đỉnh cao của cao trào cách mạng giai đoạn 1939-1945. Thắng lợi này khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đường lối cách mạng đúng đắn của Ðảng ta đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa; đồng thời khẳng định sự lớn mạnh về tổ chức và khả năng lãnh đạo quần chúng nhân dân của các tổ chức cơ sở đảng.
Từ năm 1943, dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Ðảng, các đảng bộ trên cả nước đi vào ổn định và có sự phát triển vượt bậc. Qua hai năm đẩy mạnh xây dựng lực lượng, công tác chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đã được nhanh chóng triển khai trên nhiều phương diện, tạo thế và lực mới đáp ứng yêu cầu chủ động đón thời cơ giành chính quyền. Sau khi Lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương được phát hành, các tổ chức đảng ở các địa phương đã chủ động, sáng tạo, không thụ động ngồi chờ mà căn cứ vào tình hình cụ thể và điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi để kịp thời kêu gọi, tổ chức quần chúng đứng lên khởi nghĩa, lật đổ chính quyền bù nhìn, tay sai, thiết lập chính quyền nhân dân.
Trong điều kiện tổ chức, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc khó khăn, Lệnh Tổng khởi nghĩa không thể truyền nhanh chóng, đồng loạt tới tất cả các địa phương, vì thế, các tổ chức đảng ở địa phương đã căn cứ tinh thần cơ bản của Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta để quyết định phát động nhân dân khởi nghĩa. Sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo này đã góp phần đặc biệt quan trọng làm cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra nhanh gọn và kịp thời.
Với tinh thần chủ động, các tổ chức đảng ở các xã, huyện vùng nông thôn ở các địa phương đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng phát động nhân dân nổi dậy tham gia Tổng khởi nghĩa. Ngày 14-8, tuy chưa nhận được Lệnh khởi nghĩa của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã triệu tập hội nghị bất thường quyết định phát động toàn dân trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa. Ngày 17-8, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, một số vùng ngoại ô TP Hà Nội khởi nghĩa giành thắng lợi. Ngày 18-8, đánh giá thời cơ thuận lợi khởi nghĩa đã đến, Ðảng bộ và Việt Minh các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Mỹ Tho đã phát động và lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thắng lợi. Khởi nghĩa thành công ở các địa phương là biểu hiện sinh động của tinh thần chủ động, sáng tạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của các tổ chức đảng ở địa phương.
Tối 19-8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội giành thắng lợi. Sự thắng lợi này đã đưa Tổng khởi nghĩa lên tầm cao mới, khẳng định sức mạnh của bạo lực cách mạng và phương pháp đấu tranh giành chính quyền theo tinh thần chủ động, sáng tạo, mau lẹ, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước khẩn trương tiến hành khởi nghĩa trong cả nước. Những ngày tiếp theo, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra và giành thắng lợi ở nhiều địa phương từ nông thôn đến thành thị, chính quyền bù nhìn, tay sai ở nhiều địa phương lần lượt bị lật đổ và được thay thế bởi chính quyền cách mạng lâm thời. Ngày 23-8, khởi nghĩa ở Huế giành thắng lợi. Ðêm 24 rạng sáng 25-8, cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn giành thắng lợi. Ngày 28-8, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Tiên và Ðồng Nai Thượng, đánh dấu sự thắng lợi của Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Ngày 30-8, vua Bảo Ðại đọc chiếu thoái vị và trao ấn kiếm cho đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời. Ðại diện Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ ở Huế và trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Trong quá trình Tổng khởi nghĩa, đặc biệt từ sau khởi nghĩa ở Hà Nội, trên phạm vi cả nước vừa có khởi nghĩa ở huyện, vừa có khởi nghĩa ở tỉnh lỵ, vừa có khởi nghĩa ở thành thị, vừa có khởi nghĩa ở nông thôn; thành thị và nông thôn kết hợp tác động qua lại lẫn nhau, nương tựa vào nhau để tạo thế và lực cho các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương giành chiến thắng. Với phương thức này, chỉ trong hai tuần Tổng khởi nghĩa, từ Lạng Sơn, đến Cà Mau, từ vùng nông thôn miền núi, đồng bằng đến các thành phố: Hà Nội, Huế, Sài Gòn... chính quyền tay sai, bù nhìn đã bị lật đổ, chính quyền cách mạng lâm thời từng bước được thành lập. Thực tiễn này thể hiện rõ bản chất của hình thái khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân là vừa nổi dậy đồng loạt ở cả nông thôn và thành thị, vừa tác động dây chuyền giữa các vùng, miền với nhau, tạo nên một chiến thắng vĩ đại, nhanh gọn, kịp thời và gần như đồng thời trên khắp mọi vùng miền của nước ta.
Tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức đảng ở các địa phương được thực hiện hết sức đa dạng và phong phú. Nếu như ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Kiến An, Hà Ðông, Phú Yên, Quảng Ngãi, các tổ chức đảng chủ trương tấn công vũ trang giành chính quyền thì ở Ninh Bình, Sơn Tây, Yên Bái, Nam Ðịnh, Gia Lai, Bạc Liêu, Ðắk Lắk, Gò Công, Kon Tum, Sóc Trăng, Biên Hòa, Bà Rịa, các tổ chức đảng chủ trương giành chính quyền bằng biểu tình hoặc mít-tinh của quần chúng cách mạng, trong khi đó ở Châu Ðốc, Long Xuyên, Bình Thuận, các tổ chức đảng ở đây chủ trương giành chính quyền theo phương thức bàn giao, thỏa thuận.
Hầu hết các tỉnh còn lại, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng đã chủ trương khởi nghĩa bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, trong đó lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, lực lượng vũ trang đóng vai trò xung kích, hỗ trợ. Khởi nghĩa diễn ra theo hai phương thức: huy động quần chúng mít-tinh, sau đó biến mít-tinh thành tuần hành của quần chúng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, đi chiếm các công sở của chính quyền địch (điển hình ở Hà Nội); dùng lực lượng tự vệ đột nhập tấn công chiếm các công sở của địch, đồng thời huy động quần chúng biểu tình làm áp lực buộc chính quyền địch phải đầu hàng, khởi nghĩa kết thúc bằng cuộc mít-tinh tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng (điển hình ở Sài Gòn).
3. Sự thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945 cho thấy, việc chuẩn bị chu đáo, tạo dựng, tận dụng, nắm bắt và đón thời cơ cách mạng, phát động khởi nghĩa giành chính quyền liên hoàn, đan xen giữa thành thị và nông thôn, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, nhanh gọn, bất ngờ và kịp thời khiến kẻ thù và thế lực phản động không kịp trở tay ở các địa bàn, các địa phương. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa còn thể hiện nghệ thuật đấu tranh cách mạng của Ðảng ta là kết hợp giữa bạo lực cách mạng với sách lược mềm dẻo để cô lập, vô hiệu hóa lực lượng vũ trang của kẻ thù để giành chính quyền nhanh chóng, đồng loạt, ít đổ máu.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển đất nước, những bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị, trong đó tinh thần chủ động, sáng tạo của các tổ chức đảng và nhân dân trong quá trình cách mạng là bài học xuyên suốt trong xây dựng và phát triển đất nước ta hiện nay, đặc biệt trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nó thể hiện được tư tưởng "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Những bài học quý giá này cần tiếp tục được phát huy trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Ðảng và Nhà nước ta phải tiếp tục động viên, phát huy tinh thần chủ động, không ngừng sáng tạo của các tổ chức cơ sở đảng và nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của đất nước, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; đánh giá, đón đầu và nắm bắt thời cơ để phát triển Việt Nam ngày càng thịnh vượng và bền vững.
PGS, TS Lâm Quốc Tuấn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)