Tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 của đội ngũ y, bác sĩ vẫn luôn sẵn sàng
Khi 'cơn bão' Covid-19 càn quét qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, Cái Bè là một trong những đơn vị cấp huyện có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao. Mặc dù, Cái Bè hiện đang là huyện 'vùng xanh', nhưng số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn. Trên tinh thần đó, BS CKI Trần Duy Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cái Bè cho biết:
Khi nhận thông tin kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính SAR-CoV-2 của 2 trường hợp đầu tiên trên địa bàn huyện (nhóm công nhân xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), Trung tâm Y tế huyện Cái Bè báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, cử Đội Đáp ứng nhanh tiến hành truy vết ngay các trường hợp tiếp xúc gần, cách ly triệt để, kịp thời.
Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Cái Bè, trực tiếp là đồng chỉ Chủ tịch UBND huyện cử lực lượng Công an, Quân sự hỏa tốc hoàn thành việc bố trí khu cách ly y tế tập trung của huyện ngay trong đêm để tiến hành đưa cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho y, bác sĩ; yêu cầu tất cả nhân viên y tế luôn sẵn sàng tinh thần ra tuyến đầu phòng, chống dịch, bất kể ngày đêm, không ai được chủ quan, lơ là.
* Phóng viên (PV): Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, số ca F0, F1 trên địa bàn huyện Cái Bè liên tục tăng, ngành Y tế của huyện đã chủ động như thế nào để dập dịch, thưa đồng chí?
* BS CKI Trần Duy Minh: Để có cơ sở điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và khu cách ly tập trung F1, Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện khẩn trương tập trung lực lượng thành lập 11 khu cách ly tập trung và 1 bệnh viện dã chiến. Phải nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn đòi hỏi công tác chuẩn bị phải thần tốc, huy động từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế, con người từ tuyến xã đến huyện.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Sở Y tế, Huyện ủy, UBND huyện, đơn vị cũng đã hoàn thành được sứ mệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2 trở xuống và kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các khu cách ly tập trung. Dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện Cái Bè, ngành Y tế cùng các ban, ngành, đoàn thể của huyện tập trung toàn lực lượng không kể ngày đêm để thành lập các khu cách ly y tế tập trung trên cơ sở các trường tiểu học và trung học cơ sở. Nhân lực tham gia hỗ trợ gồm nhân viên y tế, ngành Công an, Quân sự và tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.
* PV: Công tác điều động đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đến Bệnh viện Dã chiến số 4 và các bệnh viện dã chiến trong tỉnh Tiền Giang để điều trị bệnh nhân Covid-19 như thế nào?
* BS CKI Trần Duy Minh: Trong tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn huyện Cái Bè nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung, Trung tâm Y tế huyện Cái Bè được trưng dụng làm Bệnh viện Dã chiến số 4. Đội ngũ y, bác sĩ làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 4 là viên chức và người lao động thuộc Trung tâm Y tế huyện Cái Bè, thực hiện sự phân công tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng cơ cấu tổ chức và thực hiện tốt quy chế hoạt động của bệnh viện dã chiến.
Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Cái Bè đã cung cấp danh sách 30% nhân lực về Sở Y tế để cùng tham gia phòng, chống Covid-19 tại các Bệnh viện Dã chiến số 5, số 7 và số 9 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Trong giai đoạn cao điểm có khoảng 97 y, bác sĩ, nhân viên y tế của huyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến trong toàn tỉnh.
* PV: Tinh thần phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của huyện Cái Bè nơi tuyến đầu nói chung và tại các bệnh viện dã chiến nói riêng như thế nào, thưa đồng chí?
* BS CKI Trần Duy Minh: Nhân viên y tế của huyện Cái Bè ra tuyến đầu phòng, chống dịch trên tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào đóng góp chuyên môn cho “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19, vì vậy luôn nỗ lực, tận tụy chăm sóc bệnh nhân. Nhận thức được vai trò của lực lượng tuyến đầu trong trận chiến phòng, chống Covid-19 nên từ đầu, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đã quán triệt rất kỹ về tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Từ đó, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế của huyện chấp hành nghiêm theo sự phân công của Sở Y tế, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện.
Tính đến nay có 70 y, bác sĩ và nhân viên y tế tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch bị nhiễm Covid-19 (bao gồm tuyến huyện và tuyến xã). Qua đó cho thấy sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của huyện Cái Bè nói riêng và toàn tỉnh Tiền Giang nói chung là rất đáng trân trọng.
* PV: “Cuộc chiến” với Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới này, áp lực của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế có nhẹ hơn so với giai đoạn cao điểm của dịch năm 2021?
* BS CKI Trần Duy Minh: Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống y tế với những căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực, nhưng những “chiến sĩ áo trắng” vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người. Họ không chút e dè, không quản ngại, không chùn bước và đã gắn bó với những vất vả thường nhật khi tham gia công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng tâm dịch trong 2 năm qua.
Đội ngũ nhân viên ngành Y tế của huyện Cái Bè nói riêng và toàn tỉnh Tiền Giang nói chung có vai trò rất lớn trong công tác phòng, chống dịch, là lực lượng tuyến đầu, chiến đấu quên cả bản thân, gác lại tất cả công việc cá nhân, gia đình để góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19, để Tiền Giang trở thành "vùng xanh", nhân dân có cuộc sống bình thường mới như hiện nay.
Trong tình hình hiện nay, dịch bệnh tương đối ổn định hơn so với giai đoạn cao điểm của dịch năm 2021, áp lực cũng có giảm nhẹ hơn so với thời điểm bùng dịch, nhưng tinh thần phòng, chống dịch của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế huyện Cái Bè vẫn luôn sẵn sàng. Nhân viên ngành Y tế luôn để lại hình ảnh gắn bó thân thương, đáng nhớ với người dân, cộng đồng bằng tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tính mạng, sức khỏe của người dân bị dịch bệnh đe dọa.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THIÊN QUANG
(thực hiện)