Tinh thần Quy hoạch báo chí không chỉ sắp xếp, mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với từng tờ báo của các Hội, của TP.HCM, Hà Nội và TW Đoàn TNCS HCM về sắp xếp báo chí.
Nền tảng công nghệ chung cho báo chí dự kiến ra mắt trong tháng 7
Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện cả nước có 844 báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập. Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo tính đến hết tháng 6/2019. Thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách theo hướng: Phân định rõ cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị thiết yếu và báo chí phục vụ giải trí; Định hướng phù hợp với xu hướng công nghệ. Đề xuất nghiên cứu sửa đổi một số quy định của Luật Báo chí không còn phù hợp với sự phát triển thực tiễn và xu thế công nghệ.
Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (Ảnh: mic.gov.vn)
Đặc biệt, Bộ đã ban hành Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT triển khai sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, rà soát, cấp lại giấy phép hoạt động của các cơ quan báo chí, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch báo chí, các quy định của pháp luật và tránh tình trạng “báo hóa” tạp chí. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo khát vọng về một Việt Nam hùng cường, hạn chế đăng các bài viết làm xói mòn sức mạnh, niềm tin của đất nước.
Thực hiện Quy hoạch báo chí, Bộ sẽ làm việc với từng tờ báo của các Hội, làm việc với TP.HCM; Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để sắp xếp các cơ quan báo chí. Tinh thần Quy hoạch báo chí không chỉ sắp xếp, mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí nhằm nâng cao năng lực của 6 cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện; là đào tạo nhân lực báo chí, giải quyết tốt các phát sinh về thực hiện quy hoạch báo chí. Giải quyết các tồn tại báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin tổng hợp, xa rời tôn chỉ, tư nhân hóa, khoán bài, khoán view, làm tiền doanh nghiệp, sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các mạng xã hội nước ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng, cần có quy định về xử lý tin giả, tin xấu độc trên mạng. Xây dựng cơ chế, giao nhiệm vụ cho báo chí kèm theo điều kiện đảm bảo thực hiện cơ chế đặt hàng cho báo chí. Báo chí cách mạng phải được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước. Báo chí phải phản ảnh dòng chảy chính của xã hội, góp phần tạo ra niềm tin và đồng thuận xã hội, tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Báo chí từ đi theo dòng phụ thành đi theo dòng chính, từ báo giấy trở thành báo công nghệ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một công nghệ nền tảng dùng chung cho báo điện tử đang được xây dựng bởi Công ty Yeah1. Bộ trưởng phân tích, hiện có hàng trăm cơ quan báo chí, mỗi cơ quan bỏ tiền ra để làm nền tảng công nghệ thì không đủ nguồn lực và lãng phí. Vì vậy, một nền tảng công nghệ dùng chung cho báo chí đang được xây dựng và dự kiến ra mắt trong tháng 7 này. Nền tảng này sẽ hỗ trợ công nghệ cho các cơ quan báo chí giống như Grab cung cấp nền tảng chung cho các doanh nghiệp vận tải...
Đảm bảo tỉ lệ tin tiêu cực trên mạng không quá 10%
Đó là định hướng trong lĩnh vực an ninh mạng thời gian tới mà Bộ trưởng Bộ TT&TT đề ra. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, 6 tháng đầu năm 2019, ghi nhận 3.159 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các cuộc tấn công có 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 635 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware), 1.556 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing). Số liệu cho thấy tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã chuyển biến, đặc biệt các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội, TPHCM thời gian qua đã có những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet) là hơn 4,3 triệu địa chỉ, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế về an toàn an ninh mạng cũng có những cải thiện đáng kể. Theo dự thảo Báo cáo Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của ITU ngày 27/3/2018, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia, đã tăng 50 hạng so với năm 2017.
Tinh thần Quy hoạch báo chí không chỉ sắp xếp, mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí
Trong lĩnh vực này, thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu: Cần tiếp tục xây dựng Việt Nam thành Hub về an toàn an ninh mạng của ASEAN, hỗ trợ Lào, Campuchia xây dựng Trung tâm về giám sát an toàn không gian mạng. Đồng thời, xây dựng các trung tâm SOC tại từng tỉnh; giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam cả về thông tin và các cuộc tấn công mạng, tích cực làm sạch không gian mạng theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tỉ lệ tin tiêu cực trên mạng không quá 10%.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, tất cả các nhà mạng viễn thông đều phải đầu tư DPI, đảm bảo chặn lọc mạng ở mức sâu. Cần có chương trình đảm bảo an toàn an ninh mạng trong các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, phát triển các mạng xã hội Việt Nam nhất là các mạng xã hội với cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook. Các thuật toán, luật chơi do công ty nền tảng nắm trong tay, mô hình mạng xã hội mới là giá trị tạo ra bởi người dùng phải được chia sẻ. Mô hình mới là luật chơi, là khách hàng phải được tham gia. Thử nghiệm mạng Internet Việt Nam hoạt động độc lập, phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng mạnh, không chỉ bảo vệ không gian mạng Việt Nam mà còn đi ra nước ngoài...