Tinh thần thép trước thảm họa của người Nhật Bản

Tâm lý sẵn sàng chống chọi với thảm họa vốn gần như đã trở thành 'tố chất' của người dân Nhật Bản, nhờ đó giúp họ bình tĩnh thích ứng với thảm họa động đất lần này.

Liên tiếp từ chiều 1.1 tới nay, Nhật Bản phải hứng chịu hàng trăm trận động đất trên toàn quốc, chủ yếu ở khu vực miền Tây, trong đó mạnh nhất là trận 7,6 độ ở tỉnh Ishikawa hôm 1.1.

Thảm họa làm sạt lở đất, đường sá, sập hàng chục ngàn tòa nhà, chìm thuyền, gây ra hỏa hoạn quy mô lớn và sóng thần ập vào bờ biển phía Tây đất nước mặt trời mọc.

Ngôi nhà cao tầng bị đổ hẳn xuống đường sau trận động đất ở Wajima, tỉnh Ishikawa – Nhật Bản hôm 1.1. Ảnh: Kyodo

Ngôi nhà cao tầng bị đổ hẳn xuống đường sau trận động đất ở Wajima, tỉnh Ishikawa – Nhật Bản hôm 1.1. Ảnh: Kyodo

Khói bốc lên từ một khu vực bị cháy sau động đất ở TP Wajima - Nhật Bản. Ảnh: AP

Khói bốc lên từ một khu vực bị cháy sau động đất ở TP Wajima - Nhật Bản. Ảnh: AP

AP dẫn thông tin từ các nhà chức trách Nhật Bản cho biết số người chết trong thảm họa hiện ở mức 55 người và vẫn còn nạn nhân mất tích hoặc mắc kẹt dưới đống đổ nát. Ngoài ra, có 17 người bị thương nặng.

Mặc dù con số thực về thương vong có thể tăng hơn nữa nhưng những cảnh báo kịp thời, nhanh chóng của nhà chức trách thông qua điện thoại, phát thanh truyền hình… cùng với phản ứng nhanh nhạy của người dân đã góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Những nỗ lực cứu hộ khẩn trương sau đó của lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và quân đội là minh chứng cho thấy Nhật Bản đã nhiều lần ứng phó với những thiên tai vốn gần như là một phần của cuộc sống hàng ngày tại nước này.

"Người dân Ishikawa đã chuẩn bị sẵn sàng vì khu vực này phải hứng chịu nhiều trận động đất trong những năm gần đây. Họ đã chuẩn bị trước kế hoạch sơ tán và dự trữ nguồn cung khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thảm họa" – GS Toshitaka Katada, chuyên về thảm họa tại Trường ĐH Tokyo, nhận định.

"Có lẽ không dân tộc nào trên trái đất ngoài người Nhật có mức độ sẵn sàng ứng phó với thảm họa như vậy" – giáo sư Katada nhấn mạnh với hãng tin AP, đồng thời cảnh báo tình hình vẫn còn phức tạp và khó lường nên cần tiếp tục tâm lý ấy bởi "chúng ta đang đối phó với thiên nhiên".

Tâm lý luôn sẵn sàng đối phó với thảm họa góp phần giúp Nhật Bản giảm thiểu được thiệt hại do động đất gây nên. Ảnh: Kyodo

Tâm lý luôn sẵn sàng đối phó với thảm họa góp phần giúp Nhật Bản giảm thiểu được thiệt hại do động đất gây nên. Ảnh: Kyodo

Thủ tướng Fumio Kishida cho biết quân đội Nhật Bản đã cử 1.000 binh sĩ đến vùng thảm họa để tham gia nỗ lực cứu hộ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố rằng Washington sẵn sàng hỗ trợ Tokyo khắc phục hậu quả thảm họa và cung cấp mọi thứ cần thiết cho người dân Nhật Bản.

Nhật Bản thường xuyên hứng chịu động đất do nằm dọc theo vành đai lửa Thái Bình Dương, một vòng cung núi lửa và đường đứt gãy ở lưu vực Thái Bình Dương.

Ít nhất 55 người đã thiệt mạng

Tính đến ngày 2.1, ít nhất 55 người đã thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,6 độ xảy ra vào chiều 1-1 với tâm chấn ở Noto, tỉnh Ishikawa - miền Trung Nhật Bản. Theo đài NHK, con số thương vong có thể tiếp tục tăng do nhiều người còn mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sập ở các TP Wajima, Suzu... của tỉnh Ishikawa.

"Các nỗ lực cứu trợ đang bị cản trở do đường sá tắc nghẽn. Điều này cũng gây khó khăn cho việc điều máy móc hạng nặng. Chúng tôi đang nghĩ cách bảo đảm an toàn cho các tuyến đường và sử dụng tàu có thể là một lựa chọn. Chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể để đáp ứng nhu cầu của người dân" - Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumo phát biểu sáng 2.1.

Lực lượng gồm 3.000 quân nhân, lính cứu hỏa và cảnh sát từ khắp Nhật Bản đã được điều động đến vùng thảm họa, trong đó có 1.000 binh lính. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, số quân nhân được điều động có thể tăng lên 10.000 người nếu cần...

____________

Việt Nam chia buồn

Được tin trận động đất - sóng thần xảy ra tại tỉnh Ishikawa và khu vực lân cận miền Trung Nhật Bản, gây tổn thất lớn về người và tài sản, ngày 2.1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Kishida Fumio.

Ngay sau động đất, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thành lập nhóm công tác, liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại, hội đoàn người Việt ở các địa phương bị động đất để tìm hiểu thông tin, đồng thời sẵn sàng bảo hộ công dân. Đến nay, chưa nhận được báo cáo nào về thương vong của người Việt.

Ông Phan Tiến Hoàng - Bí thư Thứ nhất, Trưởng Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại đại sứ quán - cho biết theo thông tin ban đầu, một số nhà dưỡng lão ở tỉnh Niigata có thực tập sinh Việt Nam làm việc. Họ đã được sơ tán lên vùng cao để đề phòng sóng thần. Ngoài ra, đại sứ quán đang xác nhận thông tin về lao động người Việt tại các khu vực khác.

Công dân trong trường hợp khẩn cấp có thể liên hệ với các đầu mối phụ trách cộng đồng người Việt tại địa phương gần nhất hoặc gọi đến các số điện thoại: Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81-80-3590-9136 hoặc +81-80-20346868, +81-90-1255-5537; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka: +81-90-4769-6789; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka: +81-92263-7668.

Anh Thư - D.Ngọc

Bằng Hưng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tinh-than-thep-truoc-tham-hoa-cua-nguoi-nhat-ban-42274.html