Tinh thần thượng tôn pháp luật lan tỏa tới từng người dân

Với thành công của 12 năm qua, năm 2024, ngày Pháp luật Việt Nam tiếp tục phát huy và triển khai ngày càng mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn, sâu sắc, thực chất hơn và tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội, ngày càng thấm đẫm, lan tỏa tới mọi tầng lớp, từng người dân. Nhân dịp này, PV Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)

TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: N.P

TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: N.P

- Hiện nay, nhiều bộ, ngành và 63/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch về việc hưởng ứng “ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024 và đang triển khai bằng nhiều hoạt động sôi nổi, có chiều sâu. Ông có thể chia sẻ về cách các tỉnh, địa phương đang thực hiện hưởng ứng ngày này?

- TS. Lê Vệ Quốc: có thể nói rằng, với sự hướng dẫn, chỉ đạo rất sớm của Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương và trước đó là sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các bộ, ngành cũng như 63 tỉnh, thành đã đồng loạt triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam.

Thứ nhất, từ việc triển khai những hình thức trực quan sinh động như: treo băng rôn, khẩu hiệu, rất nhiều thông điệp để lan tỏa tinh thần của ngày Pháp luật Việt Nam đến với Nhân dân. Đặc biệt, truyền tải một cách đầy đủ tư tưởng lớn của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, từ việc nặng quản lý sang vừa quản lý vừa khơi thông nguồn lực để đổi mới sáng tạo và giải pháp mới cho phát triển; cũng như ngày càng bảo đảm để pháp luật hướng tới quyền dân chủ của người dân, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa một cách thực chất. Xác định thể chế hiện nay đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nên thời gian tới, công tác xây dựng pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống phải được thực hiện như thế nào cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống; đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, trở ngại mà hiện nay người dân và DN đang vướng phải.

Thứ hai, bên cạnh hình thức trực quan sinh động với các thông điệp như trên, các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động mang tính chuyên môn sâu: hội thảo, tọa đàm… xây dựng các bộ công cụ, ấn phẩm để phục vụ công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Ví dụ, tối 7/112024, Bộ Quốc phòng tổ chức khai trương Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Quốc phòng. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam và các kênh, đài truyền hình địa phương, trực tuyến trên các hạ tầng mạng xã hội của truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Ngày 5/11, Bộ Tư pháp công bố Bộ pháp điển Việt Nam với mục tiêu giúp cho việc tiếp cận thông tin pháp luật trong các văn bản pháp luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho người dân, DN được dễ dàng hơn một bước.

Trước đó, tháng 10/2024, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp". Diễn đàn được tổ chức trực tiếp cùng trực tuyến tại 63 điểm cầu trên toàn quốc, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của báo giới cũng như cộng đồng DN; được các hiệp hội đánh giá cao và có những phản ứng “tức thì”.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội giới thiệu các quy định pháp luật với học sinh Trường Phổ thông trung học Phan Đình Phùng, Hà Nội, qua hình thức phiên tòa giả định. Ảnh: Bạch Dương

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội giới thiệu các quy định pháp luật với học sinh Trường Phổ thông trung học Phan Đình Phùng, Hà Nội, qua hình thức phiên tòa giả định. Ảnh: Bạch Dương

Tại các tỉnh: Cao Bằng, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng… các địa phương năng động, khởi sắc thực sự trong việc triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam. Tại Hải Phòng, TP vừa tổ chức tuyên truyền chống đánh bắt hải sản ở huyện đảo Cát Hải,... Tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội có những chỉ đạo rất phù hợp, sát thực tiễn nhu cầu của người dân trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật tới học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông qua hình thức phiên tòa giả dịnh. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tư pháp TP Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân vừa tổ chức làm điểm phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân.

Như vậy, có thể thấy, rất nhiều hoạt động lan tỏa ngày Pháp luật Việt Nam, việc tuyên truyền ngày càng có chiều sâu hơn, thực chất hơn và ngày càng có thêm nhiều người dân biết đến ngày Pháp luật Việt Nam.

- Thưa ông, ngày Pháp luật Việt Nam là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, góp phần thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, ông có thể chia sẻ điểm mới của năm nay trong tuyên truyền ngày này của Bộ Tư pháp?

- TS. Lê Vệ Quốc: ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 được tổ chức sớm hơn các năm và các hình thức hoạt động đa dạng hơn, phong phú hơn, có chiều sâu hơn, có sức mạnh hơn. Với hoạt động tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Thứ nhất, các hoạt động cụ thể hướng tới đối tượng cụ thể. Ví dụ, tại Hà Nội, tập trung tuyên truyền cho nhóm học sinh, có những đối tượng rất nhạy cảm, với câu chuyện đạo đức, câu chuyện liên quan đến ứng xử trong xã hội để tạo nên một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Nhưng để ý thức của các em ngày càng được nâng cao thì ngay từ trong ghế nhà trường, công tác giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật của các em cũng hết sức được chú trọng. Việc tuyên truyền pháp luật tới học sinh là sự kiện điểm nhấn. Ngoài ra, ngày 8/11, tại Hà Nội diễn ra vòng chung khảo cuộc thi Tuyên truyền viên pháp luật người khiếm thị Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang tích cực tuyên truyền, giới thiệu Luật Thủ đô 2024 để Luật đi vào cuộc sống. Đối tượng tuyên truyền hướng đến đối tượng yếu thế khác là người khiếm thị.

Thứ hai, ngày Pháp luật Việt Nam năm nay có nhiều thông điệp mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ gửi gắm trong những ngày gần đây ở nhiều diễn đàn khác nhau liên quan đến công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt là những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm. Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn theo góc độ công tác PBGDPL, đưa pháp luật vào cuộc sống có thể thấy: phát huy tối đa quyền dân chủ, vai trò làm chủ của người dân; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách vững chắc; pháp luật không chỉ là công cụ quản lý, phải là công cụ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong xã hội, người dân; phải đồng hành cùng DN, người dân để kiến tạo và phát triển xã hội, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ai cũng được góp phần sức lực, trí tuệ của mình vào phát triển đất nước tức là giải phóng nguồn lực, phát huy trí tuệ mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội, sức mạnh của cộng đồng DN trong phát triển.

Thứ ba, điểm đổi mới ngày Pháp luật Việt Nam năm nay là việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác tuyên truyền. Cổng, trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương có các banner cổ động, tuyên truyền về ngày Pháp luật Việt Nam rất sinh động, các băng rôn khẩu hiệu không làm truyền thống như bây giờ mà được đăng tải, đặt trên các trang trên mạng xã hội. Bộ Tư pháp huy động các mạng viễn thông nhắn tin qua số thuê bao để gửi thông điệp hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam tới từng người dân. Ứng dụng công nghệ vào truyền tin, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai rộng khắp, có chiều sâu so với trước và được chú trọng hơn. Các bài viết trên chuyên trang, chuyên mục của ấn phẩm điện tử, cơ quan báo chí được nở rộ, phong phú, nhiều nội dung đa dạng. Bài viết, bài nghiên cứu, bình luận,... các tọa đàm, talk show trên đài truyền hình, trên các trang pháp luật của báo điện tử,... Sự kiện bấm nút đưa vào pháp điển để sử dụng, đó là dấu ấn của ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ tư, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo một cách sâu rộng, không chỉ tập trung vào một số bộ, ngành, cơ quan điển hình mà lan tỏa đi khắp nơi. Đặc biệt ở các tỉnh miền núi xa xôi. Trước đây, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam làm cầm chừng, hiện nay, triển khai hoạt động rất sinh động.

- Xin cảm ơn TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.

San Lam - Nguyễn Phương (Ghi)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tinh-than-thuong-ton-phap-luat-lan-toa-toi-tung-nguoi-dan-400341.html