Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch
Chiều 18-3, Đoàn công tác Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Sở VHTT&DL về công tác văn hóa, thể thao, du lịch n ăm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Quang cảnh buổi làm việc
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; cùng các đồng chí: Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh dự buổi làm việc với đoàn.
Báo cáo kết quả công tác VHTT&DL năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021 của Sở VHTT&DL, nêu rõ: Thời gian qua dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, song được sự quan tâm của Bộ VHTT&DL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VHTT&DL đã triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao.
Điển hình là tuyên truyền kịp thời, hiệu quả Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025...
Công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Hoạt động thư viện, bảo tàng, nghiên cứu và biên soạn lịch sử, phát hành phim và chiếu bóng, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp... được nâng cao cả về chất và lượng.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại buổi làm việc
Lĩnh vực thể thao thành tích cao và du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng, vận động viên các môn thể thao thành tích cao đã thi đấu 101 giải, đạt 614 huy chương các loại, trong đó có 186 huy chương vàng.
Tính đến hết năm 2020, Thanh Hóa đã công nhận 12 khu du lịch cấp tỉnh và 57 điểm du lịch; toàn tỉnh có 925 cơ sở lưu trú/41.300 phòng.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa chỉ đạt 7.341.000 lượt, giảm 24% so với năm 2019, đạt 65,5% kế hoạch; tổng thu đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28,4% so với năm 2019, đạt 50,7% kế hoạch. Trong quý I-2021, toàn tỉnh đón 1.171.400 lượt khách, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu đạt 1.031,7 tỷ đồng, tăng 34,9% so với cùng kỳ 2020.
Lãnh đạo Sở VHTT&DL báo cáo kết quả công tác văn hóa, thể thao, du lịch
Để nâng cao hiệu quả công tác VHTT&DL trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian tới, Sở VHTT&DL đề nghị Bộ VHTT&DL đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích đã được phê duyệt quy hoạch, gồm: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Di tích khảo cổ Hang Con Moong. Đồng thời, sớm triển khai kế hoạch xây dựng hồ sơ Hang Con Moong đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới...
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ VHTT&DL sớm triển khai rà soát, bổ sung Sầm Sơn, Hàm Rồng, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Bến En và Pù Luông vào danh mục Khu du lịch quốc gia; hỗ trợ Thanh Hóa triển khai các giải pháp chuyển đổi số ngành du lịch. Ngoài ra, Sở VHTT&DL cũng đề nghị Bộ VHTT&DL bổ sung Thanh Hóa là một trong những trung tâm thể dục - thể thao vùng...
Lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ VHTT&DL phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, nhấn mạnh: Thanh Hóa là tỉnh có kho tàng di sản văn hóa hết sức phong phú, đa dạng và giàu giá trị. Tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều sự quan tâm đến sự nghiệp phát triển VHTT&DL. Điều này thể hiện qua mạng lưới cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa - thể thao ngày càng hoàn thiện; việc bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể đạt nhiều kết quả quan trọng; các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao có bước phát triển cả về lượng và chất; Thanh Hóa cũng là một trong số ít tỉnh, thành vẫn duy trì các đoàn nghệ thuật truyền thống.
Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, điểm đến hấp dẫn du khách.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, đồng chí Bộ trưởng đề nghị thời gian tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm và dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó chú trọng đến các di tích trọng điểm như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ… Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, thư viện, trung tâm văn hóa, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa cơ sở, nhất là bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số; phát triển lực lượng vận động viên, nhất là vận động viên tài năng, để tạo nguồn cho thể thao thành tích cao của tỉnh nói riêng, thể thao cả nước nói chung.
Đồng chí cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu và đề ra các giải pháp kích cầu du lịch phù hợp, nhằm tạo đà cho du lịch phục hồi trở lại. Đối với những đề xuất, kiến nghị của địa phương, đồng chí yêu cầu lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ VHTT&DL, tiếp thu và tham mưu cho Bộ hướng giải quyết và hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa.
Sầm Sơn, một trọng điểm du lịch của Thanh Hóa.
Trân trọng sự quan tâm và gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương luôn coi trọng và rất quan tâm đến sự nghiệp VHTT&DL, song do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cho phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Nhằm khắc phục những hạn chế và thúc đẩy VHTT&DL phát triển tương xứng với vai trò, vị thế, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thanh Hóa đã xác định du lịch và văn hóa là 2 chương trình phát triển trọng tâm. Trên cơ sở đó, tỉnh đang tích cực thể chế hóa các chương trình, xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.
Với những ý kiến, góp ý của Bộ trưởng và lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa sẽ nghiêm túc tiếp thu, đồng thời giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở VHTT&DL, tập trung triển khai thực hiện, với phương châm phải hành động để có sản phẩm. Trên tinh thần đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ VHTT&DL, nhằm thúc đẩy sự nghiệp VHTT&DL địa phương có bước phát triển mới.
Đoàn công tác Bộ VHTT&DL tham quan điểm khảo cổ trong lòng di tích Lam Kinh
Trước khi có buổi làm việc chính thức, Đoàn công tác của Bộ VHTT&DL đã có chuyến tham quan di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.