Tình thế khó xử của người tị nạn Syria ở châu Âu sau chính biến
Ngày càng có nhiều chính trị gia ở châu Âu cho rằng đã đến lúc hơn 1 triệu người tị nạn Syria ở châu lục này phải trở về quê hương sau khi chính quyền của ông Assad sụp đổ cuối tuần qua. Trong khi đó, người Syria cho rằng mọi chuyện không đơn giản như thế.
Những người chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Syria kéo dài 13 năm đã chỉ ra tình trạng bất ổn chính trị sau cuộc tấn công của quân nổi dậy vào Damascus cuối tuần trước, cũng như sự hoang tàn của cơ sở hạ tầng và nhà ở khiến nhiều vùng của quốc gia Trung Đông không thích hợp để sinh sống.
"Mọi người tôi biết đều muốn chờ xem", ông Omar al-Hajjar, một thợ nề 54 tuổi đến từ Aleppo, một trong số khoảng 970.000 người Syria hiện đang sống ở Đức, cho biết. "Tình hình ở Syria rất khó khăn".
Đức đã trở thành quốc gia tiếp nhận nhiều người Syria nhất trong EU sau quyết định năm 2015 của Thủ tướng Đức lúc đó là bà Angela Merkel. Bà Merkel đã mở cửa cho khoảng 1 triệu người xin tị nạn, chủ yếu là từ Trung Đông.
Di cư dự kiến sẽ là vấn đề quan trọng trong chiến dịch vận động trước thềm cuộc bầu cử sớm của quốc gia Tây Âu vào tháng 2 năm sau.
Vài giờ sau khi chính quyền Assad sụp đổ vào ngày 8/12, các chính trị gia từ Đảng CDU trung hữu và Đảng AfD cực hữu tuyên bố, đã đến lúc người tị nạn Syria nên bắt đầu cân nhắc việc trở về nhà.
Ông Al-Hajjar, người được Liên Hợp Quốc chuyển đến Berlin cùng vợ và 5 người con trai vào năm 2019 sau 5 năm sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, từng sở hữu 2 bất động sản tại quê nhà Syria, nhưng tất cả đều bị san phẳng trong các cuộc ném bom.
Trước khi đến Đức, gia đình ông đã phải di dời khắp Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vui mừng về tình hình mới tại quê nhà, ông Al-Hajjar cho biết đất nước "cần một chính phủ, cần các thể chế" trước khi mọi người có thể cân nhắc việc trở về.
Hôm 9/12, Đức là quốc gia đầu tiên tuyên bố đình chỉ đơn xin tị nạn của công dân Syria, một động thái nhanh chóng được Anh, Pháp, Italy và các nước EU khác làm theo. Áo cho biết họ cũng sẽ tổ chức một "chương trình hồi hương và trục xuất". Một chính trị gia cánh hữu Thụy Điển cho rằng người Syria "nên coi đây là cơ hội tốt để trở về nhà".
Các động thái và tuyên bố như vậy bị các nhà vận động vì người tị nạn chỉ trích. Ví dụ, nhóm Pro Asyl có trụ sở tại Frankfurt kêu gọi các chính trị gia "chịu trách nhiệm và thể hiện sự đoàn kết với người tị nạn, thay vì lợi dụng họ về mặt chính trị".
Bên cạnh đó, một số người tị nạn Syria mong muốn được trở về càng sớm càng tốt, bao gồm cả thành viên của các cộng đồng các nhà hoạt động muốn định hình tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, một số vấn đề đang kéo chân họ lại. Như bà Joumana Seif, một luật sư và nhà vận động nhân quyền đã sống ở Berlin từ năm 2013, bà rất muốn trở về ngay lập tức nhưng bản thân lại không có hộ chiếu Syria hợp lệ cũng như hộ chiếu Đức.
Tại Síp, một nhóm gồm 60 người Syria đã rút đơn xin tị nạn, với lý do "ngày mới và đầy hy vọng" cho quê hương của họ, Thứ trưởng Di cư Síp Nikolas Ioannides cho biết.
Nhưng những người Syria khác ở Síp lại không muốn quay trở lại. "Kể cả khi chúng tôi quay trở lại, chúng tôi cũng sẽ không có nơi nào để ở. Chúng tôi cần thời gian – rất nhiều thời gian", ông Abbarah, người đã sống ở Síp trong 32 năm, cho biết.
Nhiều người cho biết, Syria đã bị tàn phá bởi nhiều năm nội chiến, nhà nước phá sản và không rõ các nhóm phiến quân sẽ thiết lập các cấu trúc quản lý như thế nào.
"Còn hơi sớm để nói ai trong số họ muốn quay trở lại", bà Shaza Saker, người sáng lập một nhà hàng chuyên đồ ăn truyền thống Syria ở Rome, cho biết.
Tại Đức, những người có con cái cho biết họ không thể gây thêm xáo trộn cho chúng. Nhiều gia đình đã phải di dời nhiều lần trong 13 năm xung đột.
"Nếu tôi không có con, tôi sẽ quay trở lại ngay", ông Ammar al-Rifai, nhân viên tại một cửa hàng tạp hóa ở quận Neukölln của Berlin, cho biết. Nhưng 2 đứa con của ông al-Rifai, 9 và 12 tuổi, đã ổn định ở trường và đã hòa nhập rất tốt vào xã hội sở tại. Ông cho biết đối với các con ông, sẽ rất khó để làm lại một lần nữa như vậy.
Chỉ có khoảng 160.000 người Syria ở Đức có hộ chiếu Đức. Do đó, những người còn lại dễ bị thu hồi tư cách tị nạn trong tương lai – mặc dù nhiều người trong số họ cũng có đơn xin nhập tịch đang chờ xử lý.
Ông Thomas Oberhäuser, một luật sư và là chủ tịch ủy ban luật di cư của Hiệp hội Luật sư Đức, cho biết chính phủ Đức trước tiên sẽ phải chứng minh rằng Syria an toàn, với quyền được bảo vệ cho các nhóm dân tộc và tôn giáo.
"Hoàn toàn chưa phải là thời điểm thích hợp" để thảo luận về vấn đề này, ông Oberhäuser cho biết.
Một số người cũng cảnh báo về những hậu quả không mong muốn ở Đức, nơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Liên đoàn Bệnh viện Đức và Hiệp hội Bác sĩ Chuyên khoa Đức (SpiFa) chỉ ra rằng người Syria chiếm số lượng bác sĩ nước ngoài lớn nhất ở nước này.
SpiFa nói với báo Der Spiegel: "Những người này đóng góp quan trọng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Đức. Việc họ rời đi sẽ có tác động đáng kể đến hệ thống y tế của Đức".
Minh Đức (Theo Financial Times)