Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến giải ngân vốn đầu tư công hết tháng 6/2022 đạt 45%

Hết tháng 5/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 22,8% kế hoạch vốn. Tỉnh này đang đặt ra mục tiêu đến hết tháng 6/2022, tỷ lệ giải ngân của toàn tỉnh đạt 45%.

Năm 2022, tổng vốn đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.266 tỷ đồng. Với quan điểm bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công chức Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế đang kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn đầu tư. Ảnh: H.T

Với mục tiêu đặt ra là hết tháng 6/2022, toàn tỉnh phải giải ngân đạt 45% kế hoạch vốn được giao, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư tập trung giải ngân theo các mốc thời gian.

Cụ thể, các dự án chuyển tiếp đến ngày 30/6/2022 phải giải ngân trên 50% kế hoạch, đến giữa tháng 12/2022 phải giải ngân 100% kế hoạch. Các dự án khởi công mới đến ngày 30/6/2022 phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp, đến cuối tháng 9/2022 phải giải ngân trên 60% kế hoạch, đến cuối tháng 12/2022 phải giải ngân 100% kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các sở, ngành phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công các dự án: đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; đường Tố Hữu nối dài đi cảng hàng không quốc tế Phú Bài trong năm 2022; đồng thời, hoàn thành việc di dời dân cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế giai đoạn 1 trong năm nay.

Các ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cấp huyện ưu tiên, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khẩn trương những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

UBND cấp huyện tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án có vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài, dự án sử dụng vốn ODA, dự án vốn ngân sách trung ương...

Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các sở, ngành chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện dự án, tăng cường giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng; phấn đấu rút ngắn ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt liên quan dự án đầu tư công so với hiện nay.

Thực hiện kiểm soát hồ sơ và thanh toán vốn cho các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thừa Thiên Huế đang tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, nội dung kiểm soát.

Đồng thời, KBNN Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc thực hiện quy trình kiểm soát chi lồng ghép với quy trình giao dịch điện tử trên dịch vụ công trực tuyến; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực kho bạc để phục vụ tốt cho các đơn vị giao dịch.

Ông Nguyễn Hoàng Đệ - Giám đốc KBNN Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Phòng Kiểm soát chi và các KBNN huyện, thành phố phải cập nhật kịp thời, đầy đủ kế hoạch vốn đầu tư giao năm 2022, kế hoạch vốn kéo dài để chủ động phối hợp với chủ đầu tư giải ngân kịp thời theo tiến độ giải ngân của dự án./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tinh-thua-thien-hue-du-kien-giai-ngan-von-dau-tu-cong-het-thang-62022-dat-45-106809.html