Tình tiết bất ngờ trước phiên xử vụ án tại Tập đoàn FLC

Trước phiên sơ thẩm, tòa án đã dựng rạp lưu động tại khu vực sân tòa để làm thủ tục sau khi triệu tập 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu mã ROS và hơn 63.000 nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu này.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội dự kiến sáng mai (22/7) sẽ xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros từ con số ban đầu là 1,5 tỷ lên tận 4.300 tỷ.

Chiều 21/7, luật sư Vũ Đặng Hải Yến (một trong 4 người bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết) cho biết đến nay, trong số 133 bị hại mua cổ phiếu ban đầu và còn giữ cổ phiếu, có 88 người đã viết đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Quyết.

Ông Trịnh Văn Quyết và cựu Phó chủ tịch Thường trực FLC Hương Trần Kiều Dung.

Ông Trịnh Văn Quyết và cựu Phó chủ tịch Thường trực FLC Hương Trần Kiều Dung.

Trước phiên sơ thẩm, tòa án đã dựng rạp lưu động tại khu vực sân tòa để làm thủ tục sau khi triệu tập 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu mã ROS. Hơn 63.000 nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu này cũng được triệu tập với vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Ngoài ra, gần 100 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo. Riêng ông Trịnh Văn Quyết có 4 người bào chữa.

"Gia đình cùng luật sư đã nộp các đơn xin giảm nhẹ cho tòa án. Đồng thời, gia đình tiếp tục huy động bạn bè, người quen để khắc phục hậu quả vụ án thay cho ông Trịnh Văn Quyết", luật sư Yến thông tin.

Về tình hình sức khỏe của ông Quyết, luật sư nói thêm, bị cáo đang điều trị bệnh lao nhưng trạng thái sức khỏe, tinh thần ổn định. Ông Quyết đã nhận thức về các hành vi sai phạm, xin chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như cáo buộc của cơ quan tố tụng.

Trước đó, người thân và ông Quyết đã nộp khắc phục hậu quả tổng cộng hơn 210 tỷ đồng. Ngoài ra, theo luật sư Yến, bị cáo Quyết tha thiết xin, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giảm nhẹ, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo là người thân, người quen, đồng nghiệp được cho là liên đới trong vụ án.

Theo ông Quyết, các bị cáo này bị buộc phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, không được bàn bạc, trao đổi về kế hoạch, mục đích. Họ cũng là những cá nhân có quan hệ phụ thuộc, không được hưởng lợi hay được phân chia bất cứ lợi ích nào.

Do đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết xin cấp xét xử giảm nhẹ cho các bị cáo bị liên đới trước khi xin giảm nhẹ cho bị cáo Quyết.

Phía viện kiểm sát nêu, trong 50 bị cáo sắp hầu tòa, ông Trịnh Văn Quyết cùng 6 bị cáo bị truy tố về các tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

43 bị can còn lại sẽ hầu tòa về các nhóm tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các bị can Trần Đắc Sinh (trái) và Lê Hải Trà.

Các bị can Trần Đắc Sinh (trái) và Lê Hải Trà.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều nhân viên FLC thực hiện hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC (gồm AMD, HAI, GAB, FLC, ART)

Qua đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư. Riêng ngày 10/1/2022, ông Quyết dù không công bố thông tin theo quy định nhưng đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu. Từ đó, bị can thu về gần 1.700 tỷ đồng.

Ở tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cáo trạng xác định ông Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên tận 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tinh-tiet-bat-ngo-truoc-phien-xu-vu-an-tai-tap-doan-flc-192240721172833083.htm