Tình tiết éo le trong một vụ án

Ngày 14-4, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lô Phò Phèng, sinh năm 1975, trú tại xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và 2 đồng phạm về tội 'Mua bán người dưới 16 tuổi'. Điều khiến nhiều người đau lòng khi biết nạn nhân trong vụ án chính là con gái ruột của bị cáo Phèng.

Các bị cáo trước phiên tòa xét xử. Ảnh: Hoàng Lam

Các bị cáo trước phiên tòa xét xử. Ảnh: Hoàng Lam

Từ sáng sớm, M (tên nạn nhân đã được viết tắt), sinh năm 2005, cùng người mẹ của mình có mặt tại khu vực cổng Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An và nóng lòng chờ đến giờ xử án để mong được gặp cha và chồng. Cặp mắt 2 người phụ nữ vùng cao đỏ hoe, ngấn lệ. Hỏi chuyện mới biết, hai mẹ con họ chỉ mang theo bộ quần áo, nắm xôi, bắt chuyến xe khách xuyên đêm từ huyện biên giới Kỳ Sơn về thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An để kịp có mặt tại phiên tòa. Không có người thân thích nơi thành phố nên sau khi dự phiên tòa, nói lời xin được giảm án cho cha, M và mẹ sẽ lại ra bến để đón xe về nhà ngay trong ngày.

Gia đình M sinh sống trong khu vực định cư của đồng bào dân tộc Khơ Mú và Thái; đời sống nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhận thức pháp luật của người dân còn rất hạn chế. Nhà đông nhân khẩu nhưng đất canh tác ít, nên cuộc sống gia đình M vẫn thiếu thốn đủ bề. Khó khăn lại thêm chồng chất khi ông Phèng phát hiện mình mắc bệnh tim. Những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần luôn giày vò người đàn ông vốn nhiều khắc khổ. Từ đó, ông Phèng tìm mọi cách xoay xở mong kiếm khoản tiền lớn đi chữa bệnh nhưng rồi cũng đành bất lực.

Năm 2018, ông Phèng nghe một số người trong xã đi làm ăn xa về xúi bẩy để con gái sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có được khoản tiền lớn. Họ cũng rỉ tai ông rằng, không lo mất con vì đi một thời gian chúng nó sẽ trốn về được.

Trong lúc túng quẫn, ông Phèng gọi điện cho cháu gái là Lô Thị Căm, sinh năm 1987, trú cùng huyện để nhờ tìm mối bán con gái sang Trung Quốc lấy chồng. Sau đó, Căm liên hệ với Moong Thị Xúm, sinh năm 1976 (trú cùng địa phương) để bàn bạc việc đưa M đi sang Trung Quốc. Xúm lập tức gọi điện cho con gái đang lấy chồng, sinh sống ở Trung Quốc nhờ kết nối với một người phụ nữ tên Hồng (không xác định được lai lịch nhân thân cụ thể) để bàn bạc, thống nhất giá bán M.

Một thời gian sau, Lô Thị Căm giao em họ của mình (nạn nhân M) cho Xúm kèm yêu cầu đưa 120 triệu đồng về cho ông Phèng, còn khoản tiền “lời” bao nhiêu 2 người sẽ chia nhau.

Thời điểm này, Xúm đích thân đưa, dẫn M ra thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để giao cho người phụ nữ tên Hồng đưa sang bên kia biên giới. Một tháng sau, trên đất Trung Quốc, đối tượng Hồng thông báo đã bán nạn nhân cho một người đàn ông bản địa làm vợ với giá 150 triệu đồng. Trong đó, Hồng giữ lại 30 triệu đồng, còn lại gửi về cho Xúm để đưa cho người bố của nạn nhân. Tuy nhiên, Lô Thị Căm đã lấy 13 triệu đồng, còn Moong Thị Xúm lấy 7 triệu đồng tiền công và chỉ chuyển cho ông Phèng 100 triệu đồng. Điều rất đau lòng, thời điểm bị bán đi Trung Quốc thì M mới 13 tuổi và phải chịu cảnh làm vợ với nhiều tủi nhục.

Sau 3 năm, phải chịu nhiều đau khổ, M đã bỏ trốn khỏi nhà chồng, tìm được đường về quê nhà. Thời điểm này, hành vi của Lô Thị Căm, Moong Thị Xúm và Lô Phò Phèng mới bị bại lộ. Nắm bắt được thông tin, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra vụ án, bắt giữ các đối tượng có liên quan. Quá trình làm việc với cán bộ điều tra và diễn biến tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Họ khai rằng, vốn là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật hạn chế, không biết việc đưa người đi Trung Quốc lấy chồng là vi phạm pháp luật. Lô Phò Phèng còn hồn nhiên cho rằng, con gái chấp thuận đi Trung Quốc lấy chồng nên mới đồng ý giao cháu cho Lô Thị Căm.

Tại phiên tòa, khi được hỏi, bị hại M cũng nói trong nước mắt, bản thân thấy bố cực khổ, bệnh tật nên đã đồng ý đi Trung Quốc lấy chồng để có tiền giúp bố chữa bệnh. Bị hại mong muốn Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt dành cho các bị cáo. Quá trình nghị án, căn cứ vào các tình tiết, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của 3 bị cáo phạm vào tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 151, Bộ luật Hình sự. Phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án cũng như các tình tiết giảm nhẹ khác, Hội đồng xét xử tuyên phạt Lô Phò Phèng 14 năm tù, Moong Thị Xúm 13 năm tù và Lô Thị Căm 12 năm tù.

Phiên tòa khép lại, cả bị cáo Phèng và nạn nhân đều bật khóc nức nở. Phút chia tay, hai mẹ con M chỉ biết động viên bị cáo Phèng cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tinh-tiet-eo-le-trong-mot-vu-an-post449969.html