Tình tiết mới của thảm họa bóng đá tại Indonesia
Theo điều tra của Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI), nhiều cánh cổng tại sân Kanjuruhan đã đóng kín khi vụ thảm kịch xảy ra vào hôm 1/10.
Ngày 6/10, CNN Indonesia đưa tin Erwin Tobing, Chủ tịch Ủy ban Kỷ luật của PSSI, khẳng định cửa ra vào của sân Kanjuruhan (Malang, Indonesia) đã đóng. Trước khi đưa ra kết luận, ông Tobing đã trao đổi với ban quản lý sân, ban tổ chức trận đấu và nhân viên an ninh.
Sân Kanjuruhan có 6 cửa lớn, trong đó các cửa C, D, E, F dành cho người hâm mộ. Trong ngày sự cố xảy ra, cửa lớn D đã bị khóa.
"Cổng số 13 đóng, cổng 11 và 12 chỉ mở hé. Sau đó là cửa lớn D, nhưng đã bị đóng. Nếu mở, rất nhiều người đã có thể thoát thân. Đây chính là vấn đề", ông Tobing nói.
"Các bạn hãy tưởng tượng đến cảnh 10.000 người hoảng loạn, nháo nhào tìm lối ra ở các cổng 9, 10, 11, 12 và 13. Tất cả đều dốc và một số cổng đóng chặt. Điều đó khiến nhiều người ngất xỉu", ông Tobing nói thêm.
Ban tổ chức cũng đã không đảm bảo quy tắc an toàn. Ông Ahmad Riyadh, người phát ngôn của PSSI chia sẻ rằng tất cả cổng phải được mở trước khi trận đấu kết thúc 10 phút. Tuy nhiên, vào hôm thảm kịch xảy ra, 7 phút sau khi trọng tài thổi còi mãn cuộc, một số cổng vẫn bị đóng chặt.
"Vì thiếu nhân viên, chỉ một số người nhận được lệnh mở cổng. Khi họ chưa kịp mở hết cổng, khán giả đã bắt đầu tràn ra do cảnh sát dùng hơi cay", ông Riyadh lý giải.
Trong khi đó, theo AP, một số cảnh sát nhấn mạnh rằng các cánh cổng mở nhưng chúng quá hẹp và chỉ có 2 người có thể đi qua cùng lúc. Trong khi đó, lượng cổ động viên bỏ chạy là quá nhiều.
Sân Kanjuruhan có tổng cộng 14 cổng. Các cảnh sát cho biết nhiều cổ động viên đã chết tại 6 trong 14 cổng đó.
"Mọi người không thể ở lại sân vận động được nữa. Chúng tôi muốn thoát thân nhưng cánh cổng đã bị đóng lại. Đó là lý do nhiều người chết vì bị giẫm đạp hoặc ngạt thở. Tôi nhớ họ đã hét lên rằng họ không thể thở và mắt bị đau", Prasetyo Pujiono, một cổ động viên có mặt tại hiện trường, chia sẻ.
Pujianto cho biết anh đã phải khiêng hơn 20 thi thể nằm rải rác xung quanh cổng số 13. Anh nói: "Thật tội nghiệp họ. Rất nhiều thi thể nằm quanh cổng số 13. Chúng tôi không thể ra ngoài nếu thi thể cứ nằm ở đó. Vì vậy, tôi và bạn bè khiêng họ ra một khu vực khác".
Ngoài ra, PSSI tiết lộ CLB Arema không kiểm soát nghiêm ngặt những vật dụng được đem vào sân. "Rất nhiều rượu được đựng trong các chai nhựa. Ngoài ra, 42 chai rượu vẫn chưa được uống", ông Tobing chia sẻ.
Theo Bola, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch. Rượu bia khiến bạo lực nổ ra ở sân vận động.
Sau cuộc điều tra, CLB Arema bị cấm tổ chức các trận đấu, nộp phạt 250 triệu IDR (Rupiah Indonesia). Chủ tịch đội bóng, ông Abdul Haris và nhân viên phụ trách an ninh Suko Sutrisno bị cấm hoạt động bóng đá suốt đời.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-tiet-moi-cua-tham-hoa-bong-da-tai-indonesia-post1362195.html