Tình tiết mới vụ FLC: 2 bị cáo bất ngờ được giảm án, Viện Kiểm sát xác định không chỉ có 133 người bị hại
Trong phiên xét xử sáng 29/7, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã có động thái mới khi đề nghị giảm mức án đối với bị cáo Trần Đắc Sinh và bị cáo Nguyễn Thanh Bình...
Ngày 29/7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và 49 đồng phạm trong vụ án lừa đảo, thao túng chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Trong những ngày làm việc trước, các bị cáo, luật sư đã trình bày quan điểm bào chữa trước bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát; đa số đều nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt nhưng một số ý kiến cho rằng cần xác định lại số lượng bị hại, thiệt hại trong vụ án.
2 BỊ CÁO BẤT NGỜ ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ GIẢM MỨC ÁN
Theo đại diện Viện kiểm sát, trong vụ án này, hầu hết bị cáo đều thừa nhận hành vi mà cơ quan tố tụng đã nêu trong cáo trạng. Đồng thời, cơ quan này cũng có quan điểm rất rõ về việc các bị cáo thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả sẽ được hưởng khoan hồng. “Quan điểm nhất quán của việc xét xử là nghiêm trị với những bị cáo chủ mưu cầm đầu, ngoan cố, chối tội và giảm nhẹ, khoan hồng với người khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải”, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh.
Căn cứ diễn biến tại phiên tòa và các phân tích nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị thay đổi mức đề nghị hình phạt đối với bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ 8 - 9 năm tù xuống còn 7 - 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cùng với đó, Viện Kiểm sát cũng đề nghị lại mức án đối với bị cáo Nguyễn Thanh Bình, cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty RTS) từ 8 - 9 năm tù còn 7 - 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong khi đó, bị cáo Lê Văn Tuấn, Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội bị đề nghị 7 - 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong quá trình điều tra người này thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, đến quá trình truy tố, bị cáo Tuấn phủ nhận cáo buộc. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Tuấn đã thừa nhận hành vi. Đây là sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của bị cáo này.
Đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết và các bị cáo còn lại, Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên các mức mà trước đó cơ quan này đã đưa ra khi luận tội. Đồng thời, Viện Kiểm sát cũng đề nghị tòa án xem xét giải quyết các đề nghị của luật sư liên quan đến nội dung hủy bỏ phong tỏa, kê biên bất động sản liên quan các bị cáo.
VIỆN KIỂM SÁT: VỤ ÁN CÓ HÀNG VẠN BỊ HẠI CHỨ KHÔNG CHỈ 133 NGƯỜI
Căn cứ tài liệu điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức chỉ đạo, phân công giao việc hoặc nhờ các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ thông qua một chuỗi hành vi gian dối.
Theo Viện Kiểm sát, với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để bán hơn 391 triệu cổ phiếu, hình thành từ vốn góp, nâng khống giao dịch qua 30.403 tài khoản chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.
Trước đó, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trịnh Văn Quyết và một số luật sư cho rằng, chỉ có cơ sở xác định 133 nhà đầu tư hiện đang nắm giữ cổ phiếu ROS của Công ty Faros ban đầu, hình thành từ vốn góp khống là bị hại trong vụ án, không có cơ sở xác định 30.403 nhà đầu tư là bị hại vì có nhiều người trùng tên, bị cáo Quyết không có ý thức chiếm đoạt tài sản.
Với quan điểm này, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, kết quả điều tra và kết quả xét xử công khai tại phiên tòa án đã xác định trong tổng số 430 triệu cổ phiếu ROS, giá trị là 4.300 tỷ đồng được niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ có hơn 1.100 tỷ đồng là vốn góp thật, còn lại hơn 3.102 tỷ đồng là vốn khống.
Đến nay, 133 người có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, số bị hại còn lại được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.
Đối với hơn 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu ROS có giá trị nâng khống, đại diện cơ quan tố tụng cho hay, qua rà soát có trùng tên người sử dụng tài khoản như luật sư đã đề cập.
Cụ thể, có 25.853 bị hại sử dụng 30.403 tài khoản chứng khoán để mua hơn 391 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 4.818 tỷ đồng. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng việc xác định lại số bị hại không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi kết quả điều tra, truy tố của cơ quan tố tụng.
Bởi lẽ, 30.403 tài khoản chứng khoán đã mua hơn 391 triệu cổ phiếu có giá trị nâng khống của Trịnh Văn Quyết và bị thiệt hại hơn 3.620 tỷ đồng, tương đương với số tiền bị cáo đã chiếm đoạt.
LỜI GIÃI BÀY SAU CÙNG CỦA CÁC BỊ CÁO
Trước khi tòa nghị án, Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng. Là người đầu tiên đứng lên bục khai báo, bị cáo Trịnh Văn Quyết nói "không dám xin giảm nhẹ cho bản thân", bởi ông cho rằng những bị cáo khác vì tin tưởng ông mà vướng vòng lao lý.
"Bị cáo cảm thấy nói lời xin cho riêng mình trong giờ phút này rất khó nói. Bị cáo kính mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo bị liên đới trong vụ án để họ sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới tất cả", ông Quyết giãi bày và cho rằng vụ án này là bài học lớn, sẽ khiến bị cáo ân hận suốt quãng đời còn lại.
Đồng thời, Ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi, mong muốn được khoan hồng từ những người được coi là bị hại của vụ án.
Tại bục khai báo, Trịnh Thị Thúy Nga, em gái ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi các bị cáo khác trong vụ án. Bị cáo Nga cho rằng vì tin tưởng anh trai mà phải đứng trước tòa với vai trò là một bị cáo, cùng với anh trai, em gái, chồng, anh chị chồng và những người thân khác.
Bị cáo Nga cũng mong muốn Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt vì hoàn cảnh đang phải chăm bố mẹ già, nuôi 3 con nhỏ. Nga còn giãi bày, bố chồng của bị cáo vì không thể chịu được cú sốc quá lớn đã mất cách đây 97 ngày. Bị cáo mong sớm trở về được làm tròn chữ hiếu với người đã mất.
Một em gái khác của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế nói rằng anh trai là niềm tự hào của những người trong gia đình, nên xin Hội đồng xét xử khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh có cơ hội làm lại cuộc đời.
“Bị cáo rất ân hận về việc làm của mình, việc làm của bị cáo đã ảnh hưởng đến nhiều người. Những người đã tin tưởng vì lời nhờ của bị cáo mà không xem xét, khi ký hồ sơ để dẫn đến hậu quả", Huế trình bày.
Cuối cùng, bị cáo này cũng gửi lời xin lỗi tới các anh, các em, các cháu, các anh chị em đồng nghiệp đã tin tưởng bị cáo.