Tính toán, bổ sung số liệu để thấy rõ hơn quy mô hỗ trợ

Tham gia thảo luận Tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV từ điểm cầu các địa phương chiều qua, 4.1, đối với Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh khẳng định sự cần thiết phải ban hành nghị quyết, các ĐBQH nhấn mạnh, Chính phủ cần xem xét, tính toán và bổ sung số liệu cụ thể về tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ khác bên cạnh chính sách tài khóa để thấy rõ hơn quy mô hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần chú trọng giám sát quá trình triển khai để tránh việc lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của Chương trình.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh NGÔ HOÀNG NGÂN:
Yêu cầu cần thiết giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn

Có thể nói, Chính sách Tài khóa tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa to lớn, nhân văn giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi sau khi trải qua 2 năm vất vả phòng, chống đại dịch Covid-19. Việc sớm triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa lớn, tạo sự đột phá là yêu cầu cần thiết để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu; đồng thời, tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các năm tiếp theo, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Tôi tán thành với đề xuất của Ủy ban Kinh tế về việc có thể cân nhắc, chấp nhận bội chi NSNN ở mức cao hơn. Giai đoạn 2009 - 2013, gói kích thích kinh tế của Chính phủ khoảng 5,6% GDP, giai đoạn này có thể tăng lên khoảng 1,2% GDP trở lên. Về chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, cần mạnh dạn miễn một số loại thuế, miễn bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian doanh nghiệp chịu ảnh hưởng năng nề, thay vì giảm hay kết chuyển sang kỳ tới. Miễn giảm đóng bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn, thay vì chỉ là hoãn thời gian, đây là mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cũng cần tăng cường biện pháp quản lý, rà soát các nguồn thu, chống thất thu thuế, nhất là lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật số.

Về việc phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, theo tôi, Chính phủ cần chỉ đạo NHNN xem xét một số giải pháp như: điều chỉnh các lãi suất hiện hành, cho phép sự cạnh tranh nhất định về cung cấp tín dụng ở các nhóm ngân hàng tốt; thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay đối với một số ngành nghề và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đơn giản thủ tục và điều kiện bảo lãnh để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn một cách kịp thời. Ngoài ra, cần bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, đa chiều của việc thực hiện chính sách nêu trên. Nhất là việc rút kinh nghiệm từ chính sách tiền tệ phục hồi giai đoạn 2009 - 2013; tham khảo kinh nghiệm các nước, đánh giá của các chuyên gia kinh tế cũng như các tổ chức kinh tế thế giới để nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa, tiền tệ kỳ này.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long NGUYỄN THỊ MINH TRANG:
Bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách

Trước hết, cần khẳng định, Dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cho ý kiến nhiều lần; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng đã tăng cường làm việc với chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 "Phục hồi và Phát triển bền vững" để phân tích làm rõ thực trạng, củng cố luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế trong ban hành chính sách. Bước đầu Nghiên cứu dự thảo, tôi đề nghị, Chính phủ xem xét, tính toán và bổ sung số liệu cụ thể về tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ khác bên cạnh chính sách tài khóa, để thấy rõ hơn về quy mô hỗ trợ, tăng tính thuyết phục, thể hiện cam kết ban đầu về tính khả thi và hiệu quả của việc triển khai Chương trình.

Về phân bổ nguồn lực, Chính phủ cần tăng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hành các quy tắc tổ chức lao động an toàn trong tình hình dịch Covid-19 để duy trì sản xuất an toàn. Đồng thời, tiếp tục dành sự ưu tiên về nguồn lực để hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội (hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật). Đặc biệt, hơn 2.000 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đều tử vong do đại dịch Covid-19 và các nhóm lao động phi chính thức…

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tôi đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí các nguồn vốn kết hợp từ các nguồn chương trình mục tiêu, vốn đầu tư công hỗ trợ cho các địa phương nhằm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch quốc gia và giải quyết các điểm nghẽn giao thông giữa khu du lịch quốc gia với các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố, cũng như định hướng quy hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch.

Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm sự ổn định của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ này, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của Chương trình, nhất là lãnh đạo khắc phục những hạn chế, bất cập của việc giải ngân đầu tư công do nhiều nguyên nhân chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu, như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… Từ đó, có giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân trong thời gian tới đối với các nguồn vốn từ chính sách tài khóa, tiền tệ này.

ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC (Hòa Bình):
Đánh giá mục tiêu cụ thể cho từng năm và cả giai đoạn

Tôi hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ rất phù hợp để phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu giúp đỡ những người lao động, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau đại dịch, giúp họ vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường thì các giải pháp đặt ra hiện nay để hỗ trợ và kích thích nền kinh tế rất phù hợp.

Liên quan đến mục tiêu thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tôi cho rằng, cần phân tích, đánh giá rõ hơn vấn đề này. Thứ nhất, về mục tiêu tổng quát, phải phân tích chung nhất tác động của gói chính sách tới việc phát triển. Thứ hai, cần phân tích, đánh giá mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025, theo đó, phải có mục tiêu cụ thể đối với từng nội dung theo từng năm. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần làm rõ mục tiêu trên, từ đó xây dựng kế hoạch và chương trình giải pháp tổng thể để thực hiện.

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Mỗi nhóm nhiệm vụ, giải pháp đều đã đưa ra định mức dự kiến mức chi để thực hiện, tuy nhiên các giải pháp chủ yếu còn chưa rõ và cụ thể. Tôi mong rằng, Chính phủ sẽ có những phân tích, đánh giá giải pháp thực hiện cụ thể, chi tiết, để khi các ĐBQH bấm nút thông qua sẽ thấy được các giải pháp Chính phủ đưa ra không chỉ sát với điều kiện thực tế, mà còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

MẠNH TUÂN - TUẤN NGUYÊN - TRẦN TÂM ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tinh-toan-bo-sung-so-lieu-de-thay-ro-hon-quy-mo-ho-tro-xhzi7q5ixs-78682