Tính toán của CEO D.suit khi liều mình khởi nghiệp trong đại dịch
Chính thức khai trương vào tháng 8/2020 cũng là thời điểm làn sóng dịch Covid-19 thứ hai bắt đầu bùng phát ở Việt Nam, sau gần hai năm, CEO D.suit Đặng Quốc Dũng cho biết đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất và công ty đã kinh doanh có lãi.
Trong bộ suit đã làm nên thương hiệu của một biên tập viên - dẫn chương trình luôn chỉn chu và lịch lãm trên sóng truyền hình, anh Đặng Quốc Dũng, nhà sáng lập thương hiệu thời trang D.suit thở phào nhẹ nhõm khi nhìn lại hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực vest/suit.
Liều mình trong sự tính toán kỹ lưỡng
“Tôi muốn làm một cái gì đó của riêng mình, là thứ mà tôi thực sự đam mê và có cơ hội phát triển”, anh Dũng kể về quyết định khởi nghiệp khi vẫn còn là một biên tập viên – dẫn chương trình của một đài truyền hình vào năm 2019.
Nhớ lại thời điểm đó, có lẽ anh Dũng sẽ chẳng bao giờ quên được những chuyến đi xa liên tục ngay sau khi xong việc trên đài truyền hình để đi tìm đối tác, những ngày lê la các quán cà phê ngồi vạch kế hoạch, tuyển dụng, cho thi công cửa hàng, làm bảo hộ thương hiệu... Anh chấp nhận vất vả trong suốt một năm “thai nghén đứa con đầu tiên” khi không muốn sao nhãng công việc của đài vì anh trân trọng những giá trị và cơ hội mà công việc đó mang lại cho anh để phát triển trong lĩnh vực mới.
Anh xác định, không chỉ mở cửa hàng bán suit mà phải xây dựng thương hiệu, công ty phải có sự phát triển bài bản. Theo anh, đàn ông Việt phải mặc suit và phải mặc suit được thiết kế dành riêng cho người Việt để có thể toát lên thần thái của đàn ông Việt. Trong một thời gian dài, anh gặp gỡ nhà thiết kế và thử nhiều kiểu dáng để cho ra những mẫu mã ưng ý nhất.
Khi mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, làn sóng dịch thứ hai bùng phát. Gặp gỡ người quen trong giới kinh doanh, khoảng 90% trong số đó khuyên anh tạm dừng kế hoạch khai trương. Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, chưa có vaccine, nhiều doanh nghiệp lựa chọn “ngủ đông” để đảm bảo an toàn thì việc anh mở cửa hàng tiềm ẩn rủi ro lớn.
“Trong nguy có cơ”, anh Dũng nói. Khi ngành thời trang đi xuống, các thương hiệu lớn cũng phải trả mặt bằng là lúc những doanh nghiệp nhỏ như D.suit có cơ hội do chi phí mặt bằng giảm, nhân sự dễ thuê với chi phí thấp hơn…
Trong một năm vừa xây dựng mô hình, vừa chuẩn bị về tài chính, anh đã dự kiến có thể trụ vững trong khoảng 1,5 – 2 năm. Hơn thế nữa, khi chuẩn bị khai trương, D.suit đã có trong tay một tệp khách hàng thân quen ủng hộ để đảm bảo có doanh thu trong thời gian đầu. D.suit lựa chọn thị trường ngách, hướng đến đối tượng khách hàng trung và cao cấp vẫn có nhu cầu mặc suit và túi tiền không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh. Vì vậy, anh Dũng quyết tâm khai trương bất chấp những lời khuyên ngăn.
Chú trọng trải nghiệm khách hàng
Không chỉ lựa chọn cách đi khác biệt thông qua thị trường ngách, anh Dũng còn lựa chọn cách làm mới trong tiếp cận khách hàng. Thay vì đầu tư nhiều tiền cho các cửa hàng lớn ở những địa điểm trung tâm, anh chọn các vị trí phù hợp, đồng thời, tập trung nguồn lực để truyền thông và bán hàng đa kênh.
Đây cũng là một sự chuyển hướng kịp thời để tối ưu chi phí sau sai lầm ban đầu là đầu tư quá nhiều tiền vào các hạng mục không cần thiết trong thời gian đầu.
Nhờ tận dụng các kênh trực tuyến cộng với làm tốt khâu chăm sóc khách hàng nên mặc dù thu được nhiều hợp đồng với các doanh nghiệp do nhà sáng lập có mối quan hệ rộng với các doanh nhân, anh Dũng cho biết, D.suit có những hợp đồng với doanh nghiệp ở Vũng Tàu, Nghệ An… mà anh chưa bao giờ gặp.
Bên cạnh gọi video với khách hàng để họ xem mẫu mã, sản xuất các clip hướng dẫn họ thử sản phẩm, D.suit còn gửi mẫu sản phẩm trước cho khách hàng. Sự chuẩn chỉ từ khâu tư vấn, vận chuyển, đóng gói, cộng với việc sản phẩm đúng như tư vấn là thứ khiến D.suit tạo được uy tín và chốt được nhiều đơn hàng lớn dù làm việc qua kênh trực tuyến.
Anh Dũng cũng cho biết, doanh thu bán lẻ và từ hợp đồng doanh nghiệp của D.suit đang ngang nhau. Các khách hàng lẻ của D.suit thường đến cửa hàng để may đo sau khi đã được tư vấn online.
“Do hướng đến đối tượng khách hàng trung và cao cấp là những người có tiền và có gu, bài toán trải nghiệm khách hàng đóng vai trò tiên quyết, đặc biệt là trải nghiệm về cảm xúc”, anh Dũng nói.
Trải nghiệm ban đầu trên môi trường trực tuyến đã quan trọng, trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng lại càng không được sơ sài để đảm bảo ba yếu tố làm nên chữ D – đơn giản, độc đáo và đẳng cấp. Ba từ khóa này được anh Dũng đưa vào trong thiết kế cửa hàng, cách bài trí nội thất. Nhân sự được đào tạo để trở thành những chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp giúp khách hàng mua được những bộ suit phù hợp nhất với bản thân thay vì chỉ làm nhân viên bán hàng đặt mục tiêu bán được hàng bằng mọi giá.
Xác định tất cả mọi người đến cửa hàng đều có thể mặc được suit của công ty, D.suit cung cấp dịch vụ may đo.
“Trên thị trường, những chiếc áo dáng suông hướng tới đối tượng trẻ trung, mặc rộng rãi không theo tiêu chuẩn suit. Tuy nhiên, là đơn vị sản xuất hàng cao cấp, sản xuất theo tiêu chuẩn là điều bắt buộc”, nhà sáng lập D.suit cho biết.
Đặc biệt, D.suit cung cấp dịch vụ bảo hành trọn đời, dù khách hàng có tăng hay giảm cân đều có thể mang ra cửa hàng chỉnh size mà vẫn đảm bảo kiểu dáng.
Bên cạnh suit, hãng cũng cung cấp các dòng sản phẩm phụ như sơ mi, giày da,…để tạo nên một bộ trang phục hoàn chỉnh, vừa giúp tăng doanh thu, vừa tạo sự thuận tiện cho khách hàng.
Chậm mà chắc
Anh Dũng nhìn nhận, từ nay đến cuối năm là giai đoạn phục hồi của thị trường, cũng là lúc để những đơn vị kinh doanh suit như anh chuẩn bị bộ sưu tập mới cũng như nguồn hàng để bùng nổ khi chuyển mùa.
“Thị hiếu đối với suit không có quá nhiều cập nhật xu hướng mới, điều quan trọng nằm ở sự sáng tạo, khác biệt như thế nào, form dáng phải đẹp và phù hợp”, anh Dũng nói.
Đầu tư cho các kiểu dáng đẹp và độc đáo, anh Dũng cũng phải tìm cách để bảo vệ các mẫu thiết kế của mình, tránh bị đạo nhái trôi nổi trên thị trường. Theo đó, trong một năm ấp ủ, anh đã đi liên hệ với nhiều nhà xưởng, chỉ ký hợp đồng với những xưởng có khả năng sản xuất đúng kiểu dáng và tiêu chuẩn mà D.suit cung cấp, đồng thời phải cam kết chỉ sản xuất kiểu dáng đó cho D.suit. Các sản phẩm cũng phải có logo và mã QR để đảm bảo hàng chính hãng.
Khi làm việc với các đối tác, nhà sáng lập D.suit cũng lựa chọn hợp tác với nhiều bên để tránh phụ thuộc hoặc gặp rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và cả tình trạng ép giá.
Chia sẻ về thành tựu đạt được sau gần hai năm kinh doanh, anh Dũng cho biết điều khiến anh tự hào là vẫn trụ vững sau nhiều sóng gió do dịch bệnh gây nên và đến nay đã kinh doanh có lãi dù nhiều đơn vị kinh doanh thời trang khác đã phải rút khỏi cuộc chơi. Bộ máy đến nay đã hoàn thiện và hoạt động trơn tru để anh có thể yên tâm trong những chuyến công tác hàng tuần liền. Thương hiệu cũng có được tệp khách hàng trung thành.
“Nghề biên tập viên – MC cho tôi cơ hội tiếp xúc nhiều doanh nhân, lãnh đạo các tập đoàn lớn. Họ chia sẻ cho tôi về giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp, cho tôi những lời động viên và giúp tôi tĩnh tâm hơn để vượt qua khủng hoảng từ thị trường và chính từ bên trong mình”, nhà sáng lập D.suit chia sẻ.
Theo anh Dũng, sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau là một trong những yếu tố quan trọng để kinh doanh thành công trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp cùng ngành vẫn thường xuyên ngồi lại với nhau để tìm cách phát triển thị trường, hỗ trợ nhau khi cần.
Hiện tại, mục tiêu ngắn hạn của anh là mở khoảng ba cửa hàng ở Hà Nội trong vòng 2 năm tới, sau đó phát triển ra các thị trường khác, trong đó có TP. HCM. Việc mở cửa hàng hàng loạt không nằm trong chiến lược của D.Suit, thay vào đó là chú trọng bán hàng đa kênh. Trong tương lai, D.Suit sẽ là một thương hiệu nhượng quyền.
“Tôi chọn con đường đi chậm mà chắc, ai cũng muốn đi nhanh nhưng nếu mà không đáp ứng được thì dễ vỡ. Tôi đi chậm nhưng luôn tiến bước, không bị thụt lùi”, anh Dũng chia sẻ.