Tính toán của Iran trong các cuộc tấn công tên lửa vào 3 nước láng giềng
Các cuộc tấn công tên lửa của Iran vào mục tiêu ở Syria, Iraq và Pakistan trong vài ngày qua là động thái chưa từng thấy. Đằng sau đó là một thông điệp cứng rắn và những tính toán thận trọng của Tehran.
Sau các cuộc tấn công bằng tên lửa vào mục tiêu ở 3 nước láng giềng Pakitsan, Iraq và Syria, Iran ngày 17/1 đã đưa ra tuyên bố cứng rắn với cả bằng hữu và đối thủ, rằng nước này không chỉ có khả năng quân sự mà có cả quyết tâm tấn công lực lượng thù địch theo ý muốn.
“Chúng tôi là một cường quốc tên lửa trên thế giới. Bất cứ nơi nào có mối đe dọa đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran, chúng tôi sẽ phản ứng tương xứng, cứng rắn và dứt khoát”, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani tuyên bố sau cuộc họp nội các.
Theo 2 nguồn tin có quan hệ với Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), việc Tehran phô trương sức mạnh là nhằm trấn an những người bảo thủ trong nước và các đồng minh quân sự ở nước ngoài, đồng thời cảnh báo Israel, Mỹ và các nhóm khủng bố rằng, Iran sẽ đáp trả nếu bị tấn công. Những nhân vật bảo thủ ở Iran đã vô cùng tức giận trước các cuộc tấn công gần đây nhằm vào nước này và yêu cầu một phản ứng mạnh mẽ.
Tính toán của Iran
Bất chấp việc sử dụng tên lửa cũng như những tuyên bố cứng rắn có phần hiếu chiến, Iran dường như đã tính toán để ngăn chặn được nguy cơ leo thang có thể làm bùng phát thêm một cuộc xung đột trong khu vực.
Các nhà phân tích cho rằng, Iran muốn các cuộc tấn công có chừng mực, đủ để phô trương sức mạnh nhưng sẽ không bị cuốn vào cuộc xung đột trực tiếp với Israel, Mỹ hoặc các đồng minh của họ.
Iran đã phóng tên lửa vào 3 quốc gia thân thiện với nước này ở các mức độ khác nhau: Syria, Iraq và Pakistan. Khả năng bị trả đũa quân sự rất khó xảy ra, mặc dù các cuộc tấn công đã gây xáo trộn: Iraq và Pakistan đều triệu hồi đại sứ ở Tehran, trong khi Pakistan cấm đại sứ Iran, người đang ở nước ngoài, tái nhập cảnh vào nước này.
Iran tuyên bố, cuộc tấn công ở Syria là nhắm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS); ở Pakistan là nhắm vào một nhóm khủng bố Jaish al-Adl; còn mục tiêu ở miền Bắc Iraq là nơi mà Tehran nói là căn cứ thu thập thông tin tình báo của Israel.
Trước đây, Iran thường tấn công đối thủ thông qua các nhóm vũ trang ủy nhiệm như Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và Houthi ở Yemen. Tehran đôi khi bác bỏ mọi liên quan đến các cuộc tấn công của các nhóm ủy nhiệm.
Lần này, Iran trực tiếp hành động và công khai tuyên bố về hành động của mình, gọi các cuộc tấn công tên lửa là sự trả đũa. Các mục tiêu mà Tehran nhắm tới đều liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố ở nước này trước đó. Iran cũng nói rằng họ đang trả đũa vụ ám sát 2 chỉ huy cấp cao của nước này ở Syria hồi tháng 12/2023, điều mà Tehran đã đổ lỗi cho Israel.
Trả đũa các vụ tấn công khủng bố
Tướng Amirali Hajizadeh, chỉ huy Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Vệ binh Cách mạng, người chỉ huy các cuộc tấn công của Iran, nói với truyền hình nhà nước hôm 16/1 rằng các cuộc tấn công bí mật của Israel vào các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran cũng như vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này, đã được lên kế hoạch từ một cơ sở ở Erbil, thủ phủ vùng Kurdistan ở Iraq. Iran cũng cáo buộc Israel có liên quan đến một cuộc tấn công gần đây do tổ chức IS tiến hành.
Israel chưa phản hồi tuyên bố nói rằng mục tiêu ở Erbil là tiền đồn gián điệp của Israel. Các quan chức Iraq bác bỏ cáo buộc, nói rằng chỉ có dân thường thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Chính phủ Iraq không có quan hệ ngoại giao với Israel, nhưng chính quyền khu vực người Kurd lại có quan hệ chặt chẽ và lâu dài với Israel.
Năm 2022, hai quan chức cấp cao của Mỹ nói với The New York Times rằng Israel đã tiến hành các hoạt động tình báo chống lại Iran từ Kurdistan; vài ngày trước đó, Iran đã bắn một loạt tên lửa vào các mục tiêu ở miền bắc Iraq mà nước này cho rằng có liên quan đến Israel, để trả đũa cuộc không kích của Israel vào một nhà máy sản xuất máy bay không người lái của Iran.
Cuộc tấn công của Iran ở Syria hôm 15/1 nhắm vào IS và nhằm trả đũa vụ đánh bom tự sát trong tháng này ở Kerman, Iran, khiến gần 100 người thiệt mạng. Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ đã cos nhiều năm chiến đấu với IS ở cả Syria và Iraq. Nhóm này đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom Kerman, nhưng các quan chức Mỹ cho rằng đây có thể là hoạt động của một chi nhánh có trụ sở tại Afghanistan, chứ không phải của phiến quân ở Syria.
Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria không lên tiếng phản đối cuộc tấn công tên lửa của Iran. Mục tiêu nằm ở khu vực do một nhóm nổi dậy kiểm soát. Trong một thập kỷ, ông Assad đã phụ thuộc rất nhiều vào Iran để chống IS và các lực lượng đối lập khác ở Syria.
Hôm 16/1, Iran tấn công nơi mà họ cho là căn cứ ở Pakistan của Jaish al-Adl, một nhóm chiến binh vũ trang ly khai thuộc nhóm thiểu số Baluch mà cả hai nước đã phải vật lộn trong nhiều năm để ngăn chặn. Jaish al-Adl, hoạt động ở vùng núi xa xôi nằm giữa ranh giới giữa hai nước, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào tháng 12/2023 khiến 11 nhân viên an ninh thiệt mạng ở Rask, một thị trấn gần biên giới phía Đông Nam Iran.
Pakistan và Iran trước đây đã cáo buộc lẫn nhau về việc bao che cho các phiến quân dọc theo biên giới chung giữa 2 nước. Iran lập luận rằng các biện pháp kiểm soát biên giới yếu kém của Pakistan đã tạo cơ hội để nhóm phiến quân Jaish al-Adl thực hiện vụ tấn công vào tháng 12/2023.
Pakistan lên án vụ tấn công tên lửa của Iran và bày tỏ lo ngại về việc Tehran không báo trước cho Islamabad về các cuộc tấn công thông qua các kênh liên lạc hiện có. Tuy nhiên, truyền thông Iran đưa tin rằng ngoại trưởng hai nước đã trao đổi qua điện thoại và thảo luận về việc chia sẻ thông tin tình báo liên quan tới nhóm Jaish al-Adl.
Sự đánh đổi
Các cuộc tấn công tên lửa có nguy cơ gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Iran với các nước láng giềng. Nhưng đổi lại, nó có thể xóa bỏ những ấn tượng không tốt ở trong nước về thất bại an ninh sau các cuộc tấn công gần đây ở Iran.
Vụ đánh bom của IS ở Kerman đã làm rung chuyển Iran - một quốc gia đang phải cố gắng hết sức có thể để duy trì sự ổn định bằng cách đảm bảo các cuộc xung đột khu vực không lan vào lãnh thổ nước này.
Ayatollah Ali Khamenei, lãnh đạo tối cao, đồng thời là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iran, không muốn xung đột trực tiếp với Mỹ hoặc Israel. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ đáp trả mạnh mẽ sau vụ đánh bom, điều mà một số nhà lãnh đạo Iran đổ lỗi cho Israel.
Sanam Vakil, chuyên gia về Iran tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở London, cho biết việc Iran hứng chịu một cuộc tấn công khủng bố chết người như vậy trên chính lãnh thổ của mình cho thấy những rủi ro trong các hoạt động của nước này trên toàn khu vực.
Theo bà, Iran đã cố gắng đẩy các cuộc xung đột của mình ra nước ngoài thay vì quản lý chúng ở gần mình. Tuy nhiên, “điều trớ trêu lớn đối với Iran là việc hiện diện quá nhiều bên ngoài biên giới của nước này đã gây ra những rủi ro an ninh bên trong.