Tính toán của ông Trump đằng sau những lần đổi giọng về xung đột Nga-Ukraine
Việc ông Trump liên tục đổi giọng về cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể không phải là hành động bột phát, mà là một chiến lược dài hơi nhằm buộc hai bên tham chiến nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán.
Chỉ cách đây 5 tháng, Tổng thống Donald Trump từng khiến dư luận quốc tế ngỡ ngàng khi thể hiện lập trường nghiêng hẳn về phía Moscow trong vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm giữa Nga và Ukraine. Ông Trump từng công khai bày tỏ niềm tin vào thiện chí hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh Washington và Moscow tổ chức một loạt cuộc gặp cấp cao nhằm tìm kiếm một lối thoát ngoại giao cho vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, lập trường của ông Trump đã thay đổi rõ rệt. Trong một cuộc họp Nội các được tổ chức sau khi ông Trump thể hiện thái độ không hài lòng về cuộc điện đàm gần nhất với Tổng thống Nga, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố: “Tôi không hài lòng với ông Putin. Tôi có thể nói thẳng điều đó ngay lúc này. Chúng tôi nhận được rất nhiều điều sai sự thật từ ông Putin".

Ông Trump. Ảnh; Reuters
Những ngày gần đây, ông chủ Nhà Trắng dường như đang thay đổi cách tiếp cận cuộc xung đột ở Ukraine, với một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là việc ông Trump bất ngờ đảo ngược quyết định tạm ngừng chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Kiev. Đi xa hơn, trong một phát biểu hôm đầu tuần này, ông Trump khiến nhiều người bất ngờ khi dành lời ca ngợi hiếm hoi cho tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine.
“Người Ukraine rất dũng cảm. Dù bạn có nghĩ việc chúng tôi gửi nhiều tiền như thế là bất công hay không, vẫn phải có người vận hành những khí tài đó. Rất nhiều người tôi quen sẽ không dám làm điều đó", ông Trump nói.
Vậy điều gì thực sự đang diễn ra?
Không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng ông Trump đang thực sự quay lưng lại với Nga, hay hoàn toàn đứng về phía Ukraine, bởi nhà lãnh đạo Mỹ thường được biết đến với phong cách lãnh đạo rất khó đoán.
Ngay cả khi công khai sử dụng những lời lẽ gay gắt nhắm vào người đồng cấp Nga, ông Trump vẫn duy trì mối quan hệ cá nhân thân mật với ông Putin, bao gồm cả những cuộc điện thoại chúc mừng sinh nhật, như thể không hề tồn tại một cuộc chiến đang làm rung chuyển châu Âu. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông từng tận dụng những kênh tiếp xúc này để gây áp lực thực chất buộc Điện Kremlin dừng chiến dịch quân sự hoặc xuống thang trước sức ép từ phía Ukraine và phương Tây.
Trên thực tế, những phát ngôn cứng rắn gần đây dường như mang tính chiến lược nhiều hơn là biểu hiện của một sự chuyển hướng rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Chúng có thể được hiểu như một đòn bẩy nhằm gia tăng áp lực đối với Nga và buộc nước này ngồi với bàn đàm phán với Ukraine trong tương lai gần.
Một chi tiết cho thấy sự mập mờ chiến lược ấy là khi ông Trump từ chối cam kết ủng hộ một gói trừng phạt mới nhắm vào Nga, dù đề xuất này nhận được sự ủng hộ áp đảo từ cả hai đảng tại Thượng viện. Nếu ông Trump thực sự quay lưng lại với ông Putin thì lẽ ra đây là cơ hội để khẳng định dứt khoát điều đó. Nhưng ông Trump, như thường lệ, vẫn chưa hành động.
Lần này có gì khác?
Có lẽ ông Trump đang dần nhận ra một thực tế rằng: mục tiêu của ông tại Ukraine không đồng nhất với mục tiêu của người đồng cấp Nga Putin.
Trong khi ông Trump mong muốn một “chiến thắng” ngoại giao, lý tưởng nhất là một thỏa thuận hòa bình nhanh gọn, đủ vang dội để tuyên bố trong thời gian gần, Điện Kremlin vẫn chưa ngồi vào bàn đàm phán khi những yêu cầu cốt lõi của họ chưa được đáp ứng. Nga tuyên bố chỉ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình nếu đạt được quyền kiểm soát toàn diện bốn vùng lãnh thổ: Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia cũng như bán đảo Crimea. Bên cạnh đó, Điện Kremlin còn đưa ra điều kiện bắt buộc: Ukraine phải chấp nhận vị thế trung lập về mặt chính trị, đồng nghĩa với việc từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và các liên minh quân sự phương Tây.
Tuy nhiên, Kiev đến nay vẫn kiên quyết bác bỏ những yêu sách kể trên. Đó là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến tiến trình đàm phán đến nay gần như giẫm chân tại chỗ, bất chấp nhiều nỗ lực trung gian từ quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ.
Ông Trump, người từng khẳng định có thể chấm dứt xung đột Nga-Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, có vẻ không dễ chấp nhận một thực tế rằng đối phương không chơi theo luật mà ông vạch ra. Điều đó không chỉ thách thức chiến lược ngoại giao của Trump, mà còn chạm vào yếu tố sâu xa hơn - chữ tín và hình ảnh của người đứng đầu Nhà Trắng.
Khi được hỏi về sự thay đổi trong giọng điệu của ông Trump từ tháng 2 đến nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Tammy Bruce cho rằng: “Ông ấy là người cởi mở nhưng không ngây thơ. Ông có nguyên tắc rõ ràng và biết mình muốn đạt điều gì. Đó là điều chúng ta đang chứng kiến".
Với áp lực từ cả hai bên – phe Dân chủ ủng hộ viện trợ cho Kiev và phe Cộng hòa đòi hỏi những biện pháp cứng rắn hơn trong cách tiếp cận cuộc xung đột ở Ukraine, ông Trump sẽ sớm phải đưa ra câu trả lời cho bài toán hòa bình này. Bởi lẽ, những thời hạn chấm dứt chiến sự mà Nhà Trắng từng đưa ra đều đã quá hạn, nhưng một thỏa thuận ngừng bắn vẫn ở xa ngoài tầm với.
Những gì đã xảy ra nhiều lần cho thấy ông Trump có thể thay đổi lập trường chỉ trong một cái chớp mắt. Tổng thống Trump từng lên án mạnh mẽ cuộc xung đột Nga-Ukraine ngay khi cuộc xung đột này bùng nổ vào đầu năm 2022. Nhưng chỉ ít lâu sau, đặc biệt là sau khi trở lại nhiệm sở hồi tháng 1/2025, ông Trump bất ngờ đổi giọng và dành nhiều lời khen cho người đồng cấp Nga. Sự chuyển biến trong những tuyên bố gần đây của ông chủ Nhà Trắng có thể là biểu hiện của một tính toán chiến lược có chủ đích nhằm gây áp lực buộc hai bên tham chiến cùng ngồi vào bàn đàm phán. Trong vai trò trung gian hòa giải, Washington dường như chưa từng hoàn toàn đứng về phía bất kỳ bên nào.