Tính toán huy động 180.000 tỷ trong dân cho gói phục hồi kinh tế

Bộ trưởng Tài chính cho biết đã tính đến việc huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có việc phát hành trái phiếu để huy động khoảng 180.000 tỷ trong dân.

Tại phiên chất vấn sáng nay của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia giải trình về các công cụ tài khóa để thực hiện cho chương trình hỗ trợ nền kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng sẽ áp dụng linh hoạt các chính sách về thuế, thu chi ngân sách đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Ông cho biết đến nay, nợ công hiện là 56,8%, vẫn dưới 60% nhưng vượt ngưỡng cảnh báo (55%). Dư nợ Chính phủ là 51,8%, như vậy năm 2021 nợ công khoảng 3 triệu 750 tỷ đồng.

Ông Hồ Đức Phớc giải trình.

Ông Hồ Đức Phớc giải trình.

Bộ trưởng Tài chính ủng hộ ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, nhưng các gói này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách. Năm 2022 và 2023 tăng bội chi nhưng các năm tiếp theo phải giảm và giúp nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững

Ông cho biết đã tính đến việc huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động tiền trong dân với số tiền khoảng 180.000 tỷ trong 2 năm.

Khoản tiền khác cho gói hỗ trợ mà không làm tăng nợ công hay bội chi ngân sách, theo Bộ trưởng, là nguồn đầu tư chưa phân bổ giai đoạn 2021-2025.

Đối với chính sách thuế, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục áp dụng giãn, hoãn thuế, phí, giảm thuế đối với giá xăng dầu lĩnh vực hàng không. Ngoài ra, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế các hộ sản xuất kinh doanh; giãn khoản thuế cho hộ, doanh nghiệp chậm nộp khi làm ăn thua lỗ.

Bên cạnh đó, ông Phớc cho biết Bộ sẽ tập trung thu trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, phát hành hóa đơn điện tử để tránh hoàn thuế, trốn thuế

Về chi ngân sách, ông Phớc cho rằng trước mắt cần tiết kiệm chi thường xuyên mà chuyển sang chi đầu tư phát triển. Ông cho biết đã cắt giảm được 10% chi thường xuyên, thời gian tới Bộ đề nghị cắt giảm tiếp 10% nữa để đầu tư và chống dịch.

Giải trình thêm trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Việc xem xét các công cụ chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ trên hai mục tiêu này, đồng thời đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô.

Từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra, trong tổ chức điều hành về lãi suất, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm. Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo và kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất và mặt bằng đã giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch.

Thống đốc NHNN cho biết thêm, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 30.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và sẽ tiếp tục thực hiện giảm từ nay cho đến cuối năm. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đã giảm hơn 2.000 tỷ đồng tiền phí cho các khách hàng.

Với dư địa chính sách, Thống đốc cho rằng, năm 2021, chỉ tiêu đạt lạm phát dưới 4% có thể đạt được nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực rất lớn.

Vì thế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các hệ thống tiết giảm chi phí hoạt động, đảm bảo an toàn từng tổ chức, tránh tác động lan truyền.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô phạm vi liều lượng hợp lý, trên cơ sở đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát và hệ thống ngân hàng.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/tinh-toan-huy-dong-180-000-ty-trong-dan-cho-goi-phuc-hoi-kinh-te-791652.html