Tình trạng của bệnh nhân được ghép tim lợn thứ hai trên thế giới
Trường Y thuộc Đại học Maryland vừa công bố một đoạn phim cho thấy bệnh nhân được ghép tim lợn thứ hai trên thế giới đang nỗ lực hết sức để hồi phục.
Hồi 1 tháng trước, bệnh nhân 58 tuổi Lawrence Faucette đối mặt với cái chết vì suy tim và không đủ điều kiện sức khỏe để được ghép tim theo cách truyền thống. Ông chấp nhận tham gia cuộc phẫu thuật ghép tim lợn của Trường Y thuộc Đại học Maryland.
Và giờ đây, đoạn phim vừa công bố cho thấy nhà trị liệu vật lý Chris Wells bảo Faucette thử mỉm cười trong lúc thực hiện bài tập xe đẩy nhằm lấy lại sức lực. Ông thở dốc nhưng vẫn nở nụ cười: “Thật khó khăn, tuy nhiên tôi sẽ làm được”.
Năm ngoái đội ngũ chuyên gia y tế Đại học Maryland thực hiện lần ghép tim lợn biến đổi gien đầu tiên cho bệnh nhân 57 tuổi David Bennett. Chỉ 2 tháng sau phẫu thuật, người này đã qua đời với lý do chưa hoàn toàn rõ ràng mặc dù có dấu hiệu của vi rút được tìm thấy trong trái tim. Bài học từ lần đầu tiên dẫn đến nhiều thay đổi trước lần thử nghiệm thứ hai, gồm cả việc kiểm tra vi rút kỹ càng hơn.
Nỗ lực ghép tạng động vật cho người đã thất bại suốt nhiều thập kỷ vì hệ thống miễn dịch của con người ngay lập tức phá hủy mô lạ. Ngày nay giới khoa học cố gắng tái thử nghiệm bằng cách sử dụng lợn biến đổi gien, khiến nội tạng của chúng giống với của người hơn.
Trong đoạn phim vừa công bố về bệnh nhân Faucette, đội ngũ chuyên gia cho biết tim lợn không có dấu hiệu bị đào thải. Bệnh nhân Faucette hiện đã có thể đứng vững. Theo bác sĩ Muhammad Mohiuddin: “Trái tim ông ấy tự làm mọi việc. Các nhà vật lý trị liệu đang giúp ông lấy lại sức lực để đi lại như cũ”.
Giới khoa học hy vọng ghép tạng động vật cho người một ngày nào đó có thể bù đắp sự thiếu hụt lớn nguồn tạng hiến. Danh sách chờ ghép tạng của Mỹ hiện có hơn 100.000 người, đa số chờ được nhận thận, không ít trường hợp ra đi trong thời gian chờ đợi. Nhiều nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm thận cùng tim lợn trên khỉ cũng như trên cơ thể người hiến tặng.