Tình trạng của hai nạn nhân bị lũ quét ở Làng Nủ tại Bệnh viện Bạch Mai
Hai nạn nhân vụ sạt lở ở bản Làng Nủ, tỉnh Lào Cai đang được điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/9 đã có thông tin về hai nạn nhân trong vụ lũ quét tại làng Nủ (Lào Cai) đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Theo đó, 0h30 ngày 12/9, hai người bị thương nặng trong vụ lũ quét tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị. Hiện cả hai vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Hai nạn nhân là H.V.V. (31 tuổi) và M.H.T.N. (11 tuổi), cả hai đều là nạn nhân của vụ lũ quét tại bản Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Trước đó, khoảng 6h ngày 10/9 cả bản bị lũ quét, khoảng 7h, hai nạn nhân được phát hiện trong tình trạng rất nặng, được sơ cứu và đưa vào Bệnh viện huyện Bảo Yên, Lào Cai cấp cứu trong tình trạng tỉnh, đa chấn thương.
Sau khi được xử lý cơ bản và đêm 10/9, hai bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai với chẩn đoán chấn thương ngực kín.
Tại bệnh viện tỉnh, tình trạng người bệnh nặng hơn, nguy cơ tử vong cao nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng an thần, thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao.
Ngay khi vào viện, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện nhiều kỹ thuật để cấp cứu người bệnh như thở máy theo chiến lược bảo vệ phổi, lọc máu liên tục loại bỏ cytokin.
Hiện, người bệnh đang được an thần, giãn cơ, ECMO hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, lọc máu liên tục phối hợp lọc máu hấp phụ, kháng sinh phổ rộng tối ưu, nội soi bơm rửa phế quản, truyền các chế phẩm máu...Tình trạng hiện nay còn suy đa tạng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Trường hợp thứ hai là M.H.T.N. (nữ, 11 tuổi). Bố mẹ N. làm thợ xây ở Hà Nội, còn anh trai N. đi học nên may mắn thoát nạn. Bệnh nhi sống cùng gia đình nhà cậu và ông bà ngoại. Qua vụ sạt lở, gia đình tử vong bốn người gồm bà ngoại, mợ và hai con của cậu.
Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại trung tâm nhi khoa, thở máy tình trạng nặng.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ đạo thực hiện thành lập nhóm chuyên trách theo dõi điều trị và cập nhật thường xuyên tin tức người bệnh, để các chuyên gia đóng góp ý kiến liên tục. Tất cả các đơn vị, phòng ban đã và đang tập trung nguồn lực để cứu chữa người bệnh.