Tình trạng không tiêm phòng cho động vật: Cần có biện pháp xử lý

Sau một thời gian gián đoạn do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi vụ xuân - hè tái khởi động. Tuy nhiên, điều ngành chuyên môn lo ngại không phải là tiến độ chậm mà tình trạng nhiều hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là tiêm vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc.

Ngay khi giãn cách xã hội được nới lỏng, huyện Yên Sơn đã tập trung nhân lực, phương tiện triển khai đồng loạt công tác tiêm phòng vụ Xuân - Hè cho toàn bộ đàn gia súc. Thời điểm này, anh Lý Văn Bình, nhân viên thú y xã Tân Long tranh thủ từng ngày, từng giờ đi từng ngõ, gõ từng nhà để tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Anh Bình chia sẻ, phục vụ tận nhà nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không thực hiện theo quy định về công tác tiêm phòng. Trong 3 mũi tiêm vắc xin bắt buộc phòng bệnh đối với gia súc gồm: bệnh dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng bà con chỉ lựa chọn tiêm 1 mũi tụ huyết trùng hoặc tiêm thêm mũi dịch tả còn lở mồm long móng chưa 1 hộ chăn nuôi nào thực hiện tiêm cho gia súc.

Người dân thôn 8, xã Tân Long (Yên Sơn) tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho vật nuôi.

Người dân thôn 8, xã Tân Long (Yên Sơn) tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho vật nuôi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuể, thôn 8, xã Tân Long có 2 con trâu nhưng ông chỉ tiêm mũi tụ huyết trùng còn 2 mũi dịch tả và lở mồm long móng không tiêm. Ông Tuể cho rằng bệnh tụ huyết trùng nguy hiểm hơn, vật nuôi mắc bệnh chết ngay nên phải tiêm. Còn bệnh lở mồm long móng chẳng may gia súc mắc bệnh vẫn có thuốc chữa hơn nữa giá vắc xin lở mồm long móng quá cao 24.000 đồng/con nên gia đình không tiêm.

Cùng thôn 8, gia đình ông Triệu Văn Tùng cũng chỉ đồng ý cho nhân viên thú y tiêm vắc xin tụ huyết trùng cho đàn lợn còn 2 mũi tiêm vắc xin phòng dịch tả, lở mồm lòng móng ông Tùng không tiêm.

Theo ông Nguyễn Minh Sáng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Long, dù nhiều hộ dân không thực hiện tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho vật nuôi nhưng xã cũng chưa có biện pháp nào để xử lý.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Yên Sơn, không chỉ riêng người chăn nuôi ở Tân Long, tại các xã Tân Tiến, Nhữ Hán, Nhữ Khê... tình trạng bà con không tiêm vắc xin lở mồm long móng diễn ra phổ biến, kéo dài trong nhiều vụ. Vụ tiêm phòng Thu - Đông 2019, vừa qua thống kê toàn huyện có 15.800 con trâu phải tiêm phòng nhưng chỉ có 575 con trâu được tiêm lở mồm long móng; đàn bò trên 10.100 con, chỉ có trên 2.200 con được tiêm phòng, còn đàn lợn gần như không được tiêm. Trước đó, vụ tiêm phòng Xuân - Hè con số còn thấp hơn nhiều, đàn trâu chỉ có 325 con được tiêm và đàn bò là trên 2.200 con được tiêm.

Huyện Hàm Yên cũng không khá hơn, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi của huyện cũng chỉ đạt từ 50 - 60% kế hoạch, riêng đối với mũi vắc xin lở mồm long móng bà con gần như bỏ qua dù huyện Hàm Yên nhiều năm gần đây xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng quy mô nhỏ trên đàn gia súc. Ông Hà Văn Hoàn, nhân viên thú y xã Đức Ninh cho biết, bà con không có nhu cầu thì nhân viên thú y cũng đành chịu. Bởi từ năm 2019 đến nay tỉnh dừng hỗ trợ vắc xin, lấy về bà con không tiêm bỏ phí nhân viên thú y sẽ chịu thiệt.

Việc không tiêm phòng, đặc biệt là đối với vắc xin lở mồm long móng cho gia súc rất nguy hiểm, bởi thực tế năm 2018 - 2019 vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một số địa phương xuất hiện ổ dịch thuộc 2 chủng xuất hiện trên đàn trâu, bò; lợn. Dù gia súc mắc bệnh lở mồm long móng phát hiện sớm có thể chữa được tuy nhiên chi phí sẽ tăng cao, thời gian điều trị dài ngày ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vật nuôi. Hơn nữa gây rất nhiều khó khăn cho ngành chuyên môn trong công tác giám sát, khống chế, loại trừ dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đảm bảo tiến độ, kế hoạch tiêm phòng, từng bước loại trừ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi chính quyền các địa phương cần có biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn nữa, đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác tiêm phòng ở từng tổ, xóm, thôn, bản; có quy định cụ thể, lập biên bản đối với các hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng yêu cầu ký cam kết khi xảy ra dịch bệnh tự chịu trách nhiệm và chi phí phòng, chống dịch. Có như vậy, công tác tiêm phòng mới đi vào nền nếp, đạt kế hoạch đề ra và mục tiêu cao hơn là giám sát, khống chế từ đó loại trừ được các bệnh dịch nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: Tuấn Hùng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tinh-trang-khong-tiem-phong-cho-dong-vat-can-co-bien-phap-xu-ly-132002.html