Tình trạng kinh doanh mỹ phẩm giả ngày càng phức tạp
Số lượng tiêu thụ lớn, lợi nhuận cao đã khiến mỹ phẩm trở thành mục tiêu làm nhái, làm giả của các đối tượng phi pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, tại Hà Nội, các lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều trường hợp làm giả làm nhái mỹ phẩm cao cấp.
Chỉ với quy trình tẩy xóa hạn sử dụng bằng nước Aceton kết hợp máy in hạn sử dụng mới đã được cài đặt sẵn, chỉ mất khoảng 5 phút, những nhân công ở khu xưởng sản xuất sẽ cho ra đời một bộ sản phẩm chăm sóc da, từ kem dưỡng, kem chống nắng cho đến trị nám, tàn nhang.
Mặc dù biết rõ sử dụng các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí hết hạn sử dụng có thể gây ra những hậu họa khôn lường đối với sức khỏe, tuy nhiên, vì lợi nhuận, chủ cơ sở vẫn bất chấp.
Trung tá Đoàn Văn Đông – Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Các loại mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, tẩy trang, mặt nạ, kem đánh răng đều hết hạn sử dụng. Nếu các sản phẩm này ra ngoài thị trường, người sử dụng có nguy cơ lây nhiễm các bệnh ngoài da.”
Thực tế trên một lần nữa tiếp tục dấy lên những lo ngại về hậu quả khi sử dụng những loại mỹ phẩm trôi nổi, không ai biết thành phần gồm những gì và chất lượng ra sao. Rõ ràng vấn nạn hàng giả, hàng nhái vốn đã nhiều lại càng trở nên nhức nhối.
Chị Nguyễn Thị Lan – Người tiêu dùng chia sẻ: “Hiện trên thị trường mỹ phẩm thật giả lẫn lộn nên tôi cũng không biết phân biệt như thế nào. Tôi cảm thấy bất an về chuyện hàng thật, hàng giả.”
Phần lớn các loại son, mỹ phẩm được làm giả đều có giá thành rất thấp chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng thỏi, những mỹ phẩm giá rẻ, thậm chí hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Mặc dù biết rõ rằng sử dụng các mỹ phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc có thể gây ra những hậu họa khôn lường cho sức khỏe, tuy nhiên, với tâm lý ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn bất chấp các nguy cơ, vẫn tìm mua các mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường. Chính tâm lý này cũng là một trong những hành vi tiếp tay cho vấn nạn mỹ phẩm giả tràn lan.
Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ - Tổng Cục quản lý thị trường – Bộ Công thương cho biết: “Trong quá trình kiểm tra, xử lý, chúng tôi cũng phát hiện rất nhiều các sản phẩm mỹ phẩm khi đưa ra lưu thông trên thị trường không đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan nhà nước.”
Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98. Trong đó, sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt từ 100 - 140 triệu đồng. Mức phạt trên tăng gấp hai lần so với mức phạt trước đây.
Tuy nhiên, đây có lẽ vẫn chưa phải là chế tài đủ mạnh để ngăn chặn triệt để vấn nạn mỹ phẩm giả bởi lợi nhuận "khủng" từ việc kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc còn cao gấp nhiều lần so với việc phạt hành chính.