Tình trạng lấn làn xe buýt nhanh BRT diễn ra phổ biến

Mặc dù không phải giờ cao điểm, không xảy ra ùn tắc giao thông nhưng nhiều người điều khiển xe máy, ô tô vẫn bất chấp quy định pháp luật, vô tư đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt BRT.

Cách đây 2 năm, Hà Nội triển khai mô hình xe buýt nhanh BRT với hy vọng dùng hệ thống giao thông công cộng giảm tải cho các tuyến đường và giải quyết nhu cầu đi lại đang ngày một tăng thêm của người dân.

Xe máy vẫn đi vào làn dành riêng cho xe buýt BRT. (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Xe máy vẫn đi vào làn dành riêng cho xe buýt BRT. (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Một trong những điều kiện để xe buýt BRT vận hành hiệu quả là làn đường dành riêng, nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian chuyến đi. Tuy nhiên, tình trạng các phương tiện tham gia giao thông gồm thường xuyên lấn làn đường dành riêng cho tuyến buýt nhanh này đang diễn ra phổ biến.

Ghi nhận thực tế tại các tuyến đường Tố Hữu, Láng Hạ, Giảng Võ, trục đường có làn đường dành riêng cho tuyến xe buýt BRT chạy qua vào các giờ cao điểm từ 7h – 9h sáng và 17h – 1830, dễ dàng bắt gặp cảnh các phương tiện tràn vào làn đường dành riêng này.

Đáng nói, không chỉ vào các khung giờ cao điểm mà bất cứ thời gian nào trong ngày cũng có thể thấy các phương tiện cố tình đi vào làn xe buýt nhanh, bất chấp biển cấm và loa phát thanh hướng dẫn nhường đường cho xe BRT.

Những sự vi phạm của các phương tiện khi đi vào làn đường của xe buýt nhanh BRT đã khiến tuyến xe buýt BRT chưa đảm bảo trong khung thời gian 40 - 45 phút hoàn thành một chuyến. Trong các khung giờ cao điểm, hầu hết các xe phải cần tới 65 - 75 phút mới có thể về đến bến cuối...

Hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm lấn làn xe buýt nhanh BRT đã được quy định cụ thể tại điểm g khoản 4 và điểm c khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì các phương tiện đi vào làn của BRT sẽ phạm lỗi “đi không đúng phần đường, làn đường quy định”.

Cụ thể, người điều khiển ô tô chạy sai làn sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng; mức phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) là từ 300.000 đến 400.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Thực hiện hành vi mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Việc xử lý các phương tiện lấn làn buýt BRT không phải đến bây giờ mới được đề cập. Từ khi các tuyến buýt BRT đi vào hoạt động, các lực lượng chức năng đã xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát cũng như tuần tra, kiểm soát ngoài các trục đường. Tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn ra tràn lan.

Để hạn chế tình trạng các phương tiện vi phạm giao thông, tại một số tuyến đường đã được lắp đặt camera tự động để tiến hành chụp ảnh tự động các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn. Một phần là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, chưa tuân thủ quy định pháp luật.

Thiết nghĩ, để xe buýt nhanh BRT hoạt động hiệu quả, ngoài việc tăng cường xử lý nghiêm những vi phạm về lấn làn đường đối với các phương tiện, người dân cần tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tinh-trang-lan-lan-xe-buyt-nhanh-brt-dien-ra-pho-bien-99452.html