Tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục diễn biến phức tạp
Trong năm 2020, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, kiểm tra đối với 780 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhưng chỉ phát hiện được 230 cơ sở vi phạm....
Nhiều vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đã bị phát hiện và xử lý.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng ở một số địa phương đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
PHÁT HIỆN NHIỀU VỤ VI PHẠM LỚN
Ngày 5/5/2021, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm tra định kỳ theo kế hoạch. Khi kiểm tra cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại địa chỉ tổ 10 thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cơ quan chức năng đã phát hiện 3.562 đơn vị sản phẩm hết hạn sử dụng, gồm thuốc trừ cỏ, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu.
Trước đó, ngày 26/4/2021 tại tỉnh An Giang, lực lượng liên ngành chống buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh An Giang đã phát hiện và bắt giữ số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật và hàng gia dụng không rõ nguồn gốc, nghi vấn nhập lậu tại một nhà trọ, thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc (An Giang).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong phòng trọ đang chứa hàng trăm chai và hàng nghìn gói thuốc bảo vệ thực vật có xuất xứ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật và đồ gia dụng của mình. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ tang vật, đồng thời tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ xử lý theo quy định pháp luật.
Theo số liệu báo cáo từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2020 cả nước nhập khẩu 3.129 lô thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật với tổng khối lượng 49.262,38 tấn, giá trị nhập khẩu đạt trên 432 triệu USD. Qua kiểm tra, đã phát hiện 3 lô thuốc nhập khẩu vi phạm các quy định, thuốc không được phép nhập khẩu.
Năm 2020, Cục Bảo vật thực vật đã cấp 743 Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cho các tổ chức, cá nhân, trong đó, nhiều nhất vẫn là các thuốc nhập khẩu nhằm mục đích gia công với đối tác nước ngoài.
Cũng trong năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật đã loại bỏ 1.265 hoạt chất của 838 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật không đáp ứng quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đề cập về công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, Cục Bảo vệ thực vật, cho biết năm 2021 cơ quan này đã lấy 55 mẫu thuốc bảo vệ thực vật và 39 mẫu phân bón để kiểm tra. Kết quả phát hiện 6 tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng (9/16 thuốc bảo vệ thực vật; 10/19 sản phẩm phân bón).
Báo cáo tổng hợp từ Chi cục Bảo vệ thực vật của các địa phương cũng cho thấy, qua kiểm tra đối với 780 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong năm 2020 đã phát hiện 230 cơ sở vi phạm.
TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết thời gian qua, việc hàng loạt các công ty, doanh nghiệp bị xử phạt về sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, đã khiến cho bà con nông dân hết sức lo lắng. "Đây là những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, nhưng nếu sử dụng sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định, sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường", ông Trung cảnh báo.
Hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và phân bón được công nhận lưu hành ở nước ta có số lượng quá lớn. Cụ thể, gần 21 nghìn sản phẩm phân bón; 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật... Điều này khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn, đây cũng chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm kinh doanh bất chính.
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở, công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thậm chí làm giả, nhái thương hiệu đã bị phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Điển hình là việc xử phạt của cơ quan chức năng một số tỉnh như Khánh Hòa, Kon Tum, Bắc Giang...
Theo ông Hoàng Trung, để kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chính quyền và cơ quan chức năng tại từng địa phương cần chủ động theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Cần cương quyết ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để thuận lợi hơn trong công tác quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cũng đang tính toán giải pháp “tinh gọn” danh mục các loại sản phẩm này.
Trong tháng 4/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ: “Chương trình hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật và Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, hai bên chú trọng vào hoàn thiện, xây dựng và thực thi hành lang pháp lý về quản lý thuốc bảo vệ thực vật; tiến hành các chương trình tập huấn về hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại một số tỉnh; thúc đẩy Chương trình phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ sinh học sinh học.
Đồng thời, một nội dung không thể thiếu là thúc đẩy truyền thông về tầm quan trọng của các giải pháp bảo vệ thực vật tiên tiến; về vai trò của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách có trách nhiệm nhằm nâng cao nhận thức của nông dân và cộng đồng. Đây là những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật, góp phần phát triển một nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.