Tình trạng tắc nghẽn trên eo biển Bosphorus của thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu 'hạ nhiệt'

Số lượng tàu chở dầu đang chờ đi qua eo biển Bosphorus của Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trên đường đến Địa Trung Hải đã bớt căng thẳng so với trước đây.

Tàu chở hàng đi vào eo biển Bosphorus. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu chở hàng đi vào eo biển Bosphorus. Ảnh: AFP/TTXVN

Công ty vận tải biển Tribeca cho biết, số lượng tàu chở dầu đang chờ đi qua eo biển Bosphorus của Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trên đường đến Địa Trung Hải đã giảm xuống còn 13 vào ngày 12/12, so với mức tương ứng 17 tàu ghi nhận trong ngày trước đó, cho thấy lưu lượng tàu qua khu vực này đã bớt căng thẳng.

Một chính sách mới của Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực kể từ đầu tháng 12 này đã gây ra sự chậm trễ trong hoạt động vận tải biển. Thổ Nhĩ Kỳ quy định tất cả tàu, thuyền đi qua các eo biển của nước này phải cung cấp giấy tờ bảo hiểm đầy đủ và các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cần có thời gian kiểm tra các giấy tờ này.

Tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu diễn ra trong bối cảnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia nhất trí áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng kể từ ngày 5/12.

Theo đó, các công ty cung cấp dịch vụ vận tải biển, trong đó có các công ty bảo hiểm, không được cung cấp dịch vụ cho xuất khẩu dầu thô của Nga nếu giá bán cao hơn giá trần.

Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm ngày 7/12 với Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nêu rõ giá trần chỉ áp dụng với dầu mỏ của Nga và không cần kiểm tra bổ sung các tàu đi qua lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ.

Dữ liệu từ Tribeca chỉ ra rằng, thời gian chờ đợi trung bình của các tàu chở dầu tại eo biển Bosphorus hiện đã giảm xuống còn 2,8 ngày so với 4,2 ngày ghi nhận vào 11/12. Thời gian chờ trung bình đạt đỉnh trên 6 ngày vào tuần trước.

Bosphorus là tuyến đường thủy hẹp, dài 17 dặm (27,3 km), nối Biển Đen với Biển Marmara và Địa Trung Hải. Đây cũng là một trong những tuyến đường quan trọng nhất đối với hoạt động vận chuyển dầu trên biển của toàn thế giới.

Theo phân tích năm 2017 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, hơn 3% nguồn cung dầu toàn cầu, tức 3 triệu thùng/ngày, đi qua eo biển Bosphorus. Những lô hàng này đến chủ yếu từ Nga và Biển Caspi./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tinh-trang-tac-nghen-tren-eo-bien-bosphorus-cua-tho-nhi-ky-co-dau-hieu-ha-nhiet/271675.html