Tình trạng thiếu giáo viên ở Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác đã 'hạ nhiệt'

Từ 'điểm nóng' về thiếu giáo viên nhưng nhờ triển khai nhiều giải pháp nên đến năm học 2024-2025, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.

Giáo viên san sẻ khó khăn

Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác được thành lập trên cơ sở từ Trường tiểu học và THCS Trần Phú vào năm 2022. Mới thành lập, đứng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Tuy Đức, trường gặp không ít khó khăn, nhất là tình trạng thiếu giáo viên.

Năm học 2024-2025, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác là một trong những trường còn thiếu giáo viên Tin học

Năm học 2024-2025, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác là một trong những trường còn thiếu giáo viên Tin học

Cô giáo Hoàng Thị Thanh, giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ: “Năm học 2022-2023 gần như môn nào cũng thiếu giáo viên nên mỗi người phải dạy tăng tiết rất nhiều, bình quân cứ 8 tiết/ngày. Nhiều hôm dạy xong về không còn hơi để nói. Một số giáo viên cảm thấy quá vất vả đã khóc khi chia sẻ trước các cuộc họp của trường. Nhiều người nghe tiếng cũng ngại khi có ý định xin về trường để dạy. Thế nhưng, vì học sinh, khó khăn nào giáo viên cũng cố gắng vượt qua. Điều động viên là số tiết dạy tăng giờ đã được chi trả nên cán bộ, giáo viên ai cũng phấn khởi hơn để tiếp tục chia sẻ cùng nhà trường”.

Năm học 2023-2024, số tiền chi trả thừa giờ của Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác là trên 670 triệu đồng

Năm học 2023-2024, số tiền chi trả thừa giờ của Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác là trên 670 triệu đồng

Theo ông Nguyễn Thế Hiệt, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, năm học 2022-2023, nhà trường có 22 lớp, trong đó có 20 lớp bậc THCS và 2 lớp bậc THPT. Theo định mức, trường thiếu đến 14 biên chế giáo viên bậc THCS. Để bảo đảm dạy học, trường phải tổ chức cho giáo viên dạy kê, dạy gác. Thống kê, cả năm học 2022-2023, trường tăng thêm 3.529 tiết dạy, tương ứng với số kinh phí chi trả cho giáo viên hơn 670 triệu đồng.

"Vì điều kiện khó khăn, thừa tiết lại nhiều nên hầu hết giáo viên các bộ môn rất vất vả. Gần như ai cũng phải gồng gánh, làm việc gấp 2 lần vì học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường phải thường xuyên động viên, khích lệ và ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các thầy cô khi đã chia sẻ khó khăn với nhà trường. Cùng với đó, trường đã tiến hành nhiều giải pháp khác như dồn lớp, giảm bớt tiết, tăng cường kết nối, tuyên truyền hơn để tìm nguồn tuyển dụng", ông Hiệt cho hay.

Tiếp tục gắn bó, đồng hành vì học sinh

Để bảo đảm chất lượng dạy học, năm 2024, trường được bổ sung thêm 5 biên chế giáo viên nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu nên trường được chủ trương tuyển hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Trong khi các trường ở khu vực trung tâm còn nhiều chỉ tiêu hợp đồng chưa tuyển dụng được thì việc Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác tuyển được giáo viên hợp đồng được xem như một sự nỗ lực lớn. Không những vậy trường còn “giữ chân” được giáo viên.

Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác thiếu giáo viên chủ yếu ở bậc THCS

Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác thiếu giáo viên chủ yếu ở bậc THCS

Cô giáo Trịnh Thị Thanh Thùy, giáo viên hợp đồng môn Hóa học của trường chia sẻ, tốt nghiệp đại học ra trường tôi chọn về lại tỉnh để làm việc. Khi tiếp nhận được thông tin trường mới thành lập, thiếu giáo viên, tôi đã không ngần ngại nộp đơn xin dạy hợp đồng. Mặc dù đã xác định rõ tư tưởng nhưng qua thời gian dạy bản thân mới thấy là việc giảng dạy đối với một người chân ướt, chân ráo mới vào nghề, chuyển đến vùng đất mới với tôi gặp nhiều khó khăn. Không chỉ dạy các tiết theo quy định mà tôi còn dạy thêm từ 2-5 tiết tăng giờ/tuần. Khó khăn hơn nữa là giao thông đi lại vất vả, học sinh phần lớn là con em dân tộc thiểu số… Dù vậy, nhưng tôi thấy được đội ngũ cán bộ, giáo viên ở đây lại rất đoàn kết, ai cũng nỗ lực và chia sẻ khó khăn với nhà trường đã động viên, khích lệ tôi rất nhiều.

"Thấy học sinh vùng sâu này cũng đang rất cần mình nên bản thân lại càng cố gắng hơn. Ban Giám hiệu cũng thường xuyên động viên, khích lệ, tạo mọi điều kiện để giáo viên thực hiện nhiệm vụ, tạo nơi ở lại cho cả giáo viên ở xa như tôi nên bản thân cảm thấy rất xúc động. Qua một năm dạy, tôi càng yêu nghề, yêu trường và yêu học sinh nơi vùng khó Đắk Ngo này hơn nên tiếp tục hợp đồng dạy tiếp trong năm học 2024-2025”, cô giáo Trịnh Thị Thanh Thùy tâm sự.

Cũng theo ông Hiệt, để tuyển dụng được giáo viên, cùng với sự quan tâm của Sở GD-ĐT, các cấp chính quyền, trường tăng cường tuyên truyền kêu gọi tìm nguồn khắp nơi. Thấy giáo viên mình gồng gánh thừa giờ vất vả, nhiều lần ông Hiệt đã trực tiếp đến các trường đại học ở Đắk Lắk và TP. Hồ Chí Minh liên hệ tìm nguồn tuyển dụng giáo viên.

Sau thời gian tìm kiếm, trường tuyển dụng được 6 giáo viên dạy hợp đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng thừa tiết được vơi dần. Ban đầu, hầu hết giáo viên kể cả biên chế và hợp đồng ban đầu đều tâm lý lo ngại khi đến dạy ở ngôi trường vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, điều đáng trân quý là qua thời gian giảng dạy tại đây thì không ai muốn rời đi nữa. Số lượng lớn giáo viên hợp đồng cũ đều có nguyện vọng ký lại hợp đồng năm học 2024-2025 với nhà trường. Đây cũng là nguồn giúp nhà trường giảm bớt áp lực tìm người trong năm học mới. Hiện nay, trường đã có thêm 2 giáo viên hợp đồng nữa nên số lượng giáo viên thiếu chỉ còn 4 người.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác do mới thành lập nên bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu giáo viên. Điều đáng mừng là năm học 2023-2024, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhà trường cũng đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng dạy đúng, đủ chương trình, nhất là các khối triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự chung tay của chính quyền địa phương và cả sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên nên năm học 2024-2025, áp lực thiếu giáo viên của nhà trường đã dần được tháo gỡ".

Hiện nay, số tiền dạy kê, dạy gác của năm học 2023-2024 nhà trường đã được chi trả hết. Trong đợt thi tuyển biên chế giáo viên sắp tới do Sở GD-ĐT tổ chức, nếu tuyển dụng được, Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác sẽ được bổ sung thêm 4 biên chế nữa là cơ bản giải quyết được khó khăn về thiếu giáo viên. Điều này góp phần để nhà trường tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở các khối, lớp.

Nguyễn Hiền

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tinh-trang-thieu-giao-vien-o-truong-thcs-va-thpt-le-huu-trac-da-ha-nhiet-229223.html