Tình trạng thiếu nước sạch tại thôn Bãi Giếng 2: Sẽ khắc phục trong tháng 4

Mới đây, hơn 20 hộ tại thôn Bãi Giếng 2 (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) gửi đơn đến Báo Khánh Hòa phản ánh việc thường xuyên bị cắt nước dù hợp đồng đã ký và được nhà máy cung cấp nước ổn định 1 năm.

Liên tục bị cắt nước

Theo ông Lê Tuân (thôn Bãi Giếng 2) - người đại diện cho các hộ: Khoảng tháng 10-2014, nhóm hộ của ông có hợp đồng mua bán nước sạch với nhà máy nước thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thái Bình Dương (gọi tắt là COPAC). COPAC đã ký hợp đồng cung cấp nước sạch với giá 4 triệu đồng/đồng hồ nước và tiến hành thi công đường ống cung cấp nước ổn định từ tháng 4-2014 đến tháng 4-2015. Tuy nhiên, thời gian gần đây COPAC liên tục cắt nước, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ. Người dân đã làm đơn gửi đến chính quyền huyện và COPAC nhưng đến nay chưa được xem xét, giải quyết. Ông Lê Văn Tổng (thôn Bãi Giếng 2) bức xúc: “Chúng tôi rất bất bình vì gửi đơn nhưng lãnh đạo COPAC không giải quyết. Các hộ chỉ có thể đề đạt nguyện vọng với tổ quản lý nước nên không giải quyết được gì. Hơn nữa, tuy không đảm bảo nhu cầu nước nhưng tháng nào COPAC cũng gửi hóa đơn thu tiền nước. Chỉ tính từ tháng 11-2019 đến nay, tiền nước của nhà tôi là 296.000 đồng, tương đương 37m3”.

 Áp lực nước rất yếu tại nhà ông Lê Văn Tổng.

Áp lực nước rất yếu tại nhà ông Lê Văn Tổng.

Vì thiếu nước sạch, người dân phải chạy vạy tìm kiếm nguồn nước khác thay thế như nước giếng, nước bình làm tăng thêm chi phí. Bà Võ Thị Kim Sang (thôn Bãi Giếng 2) cho biết, gia đình bà có 4 người, mỗi tháng phải dùng 8 bình nước tinh khiết phục vụ ăn, uống, chi phí tăng thêm 80.000 đồng. Còn nước để tắm rửa, giặt giũ sử dụng lại giếng cũ, qua các bước lọc phèn rất vất vả.
Sẽ khắc phục trong tháng 4

Theo ông Đoàn Ngọc Phước - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây, việc COPAC không cung cấp nước đầy đủ cho dân và tiếp tục thu tiền của dân là có thật. Xã đã báo cáo tình hình lên huyện và mời lãnh đạo COPAC đến làm việc. Theo lãnh đạo COPAC, các tuyến cấp nước này thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư thứ cấp (tư nhân đầu tư vốn cùng nhà máy phát triển tuyến ống) nên việc giải quyết có chậm trễ.

Ông Nguyễn Thế Nhân - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thái Bình Dương cho biết, đơn vị có nhận đơn của người dân, song phản ánh của dân có ý đúng, có ý chưa chính xác. Phản ánh đúng là có khu vực nước mạnh (thuộc về tuyến ống khác kéo từ đường Đinh Tiên Hoàng nối dài). Riêng tuyến ống của hơn 20 hộ trong đơn là tuyến ống cũ kéo từ xã Cam Hòa về với chiều dài hơn 10km. Vào mùa nắng hạn, người dân khu vực đầu nguồn dùng nước nhiều nên cuối nguồn nước bị yếu. Mặt khác, một số hộ đầu nguồn còn đặt trực tiếp máy bơm vào đường ống để bơm làm áp lực nước cuối nguồn càng yếu. Đơn vị có thông báo yêu cầu các hộ đầu nguồn nước không được đấu nối máy bơm làm giảm áp lực nước, tuy nhiên hiện nay việc kiểm soát còn khó khăn. “Người dân nói COPAC cắt nước là không đúng, thực chất là áp lực nước không đảm bảo nên nước lúc có lúc không. Có nước chảy có nghĩa là có tiêu thụ nên phát sinh phí, vì vậy COPAC thu tiền là đúng”, ông Nhân nói. Ông Nhân cũng cho biết, COPAC cam kết chậm nhất trong tháng 4-2020 sẽ có phương án đấu nối mới đường ống nhằm tăng áp lực nước, đảm bảo cho người dân có đủ nước sạch dùng.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202003/tinh-trang-thieu-nuoc-sach-tai-thon-bai-gieng-2-se-khac-phuc-trong-thang-4-8157142/