Tình trạng thừa cholesterol ở Việt Nam đang rất đáng báo động
Theo thống kê có khoảng 1/3 số người trưởng thành ở Việt Nam có tình trạng thừa cholesterol. Đặc biệt hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi 50 - 69 tuổi đang trong tình trạng thừa cholesterol.
Trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người thừa cholesterol trong cơ thể. Ảnh minh họa.
Kết quả điều tra Quốc gia về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy, trung bình 10 người trưởng thành có 3 trường hợp thừa cholesterol trong cơ thể. Bên cạnh đó, báo cáo này ghi nhận hơn 50% phụ nữ trung niên trong độ tuổi 50-65 gặp các vấn đề liên quan đến thừa cholesterol.
Dư thừa cholesterol là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành và tăng huyết áp...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thì có khoảng 1/3 số người trưởng thành có tình trạng thừa cholesterol. Đặc biệt hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi 50 -69 tuổi đang trong tình trạng thừa cholesterol.
Đây là thực trạng đáng báo động và cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời vì thừa cholesterol chính một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới và làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành… trong thời gian gần đây.
Thứ trưởng cũng cho biết, bệnh tim mạch cùng với các bệnh lý không gây nhiễm khác là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới thì tỉ lệ này lên tới 71% trong tổng số các ca tử vong trên thế giới. Tại VN, theo thống kê chưa chính thức thì tỉ lệ này còn cao hơn thế giới chiếm 77%.
Đây là một gánh nặng rất lớn cho hệ thống y tế của quốc gia trong công tác phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị và khắc phục các biến chứng của bệnh lý này.
PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ ra những nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol, bao gồm: bệnh lý nền, tiền sử gia đình bị bệnh tim, đột quỵ, tuổi tác cao; trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu đến từ lối sống và chế độ ăn uống không khoa học.
Điển hình là người Việt có thói quen thường xuyên sử dụng chất béo có hại, thực phẩm chứa nhiều cholesterol như mỡ lợn (heo), mỡ bò, phủ tạng động vật, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp) trong việc nấu nướng và ăn uống hàng ngày.
Những thói quen không lành mạnh như ít tập thể dụng và vận động thể chất; uống nhiều rượu, bia, thức uống có gas; hút thuốc lá cũng vô tình làm tặng lượng cholesterol xấu.
Song song với khẳng định này, các chuyên gia chỉ ra, ngay khi được chuẩn đoán tình trạng thừa cholesterol cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống vận động. Các khuyến nghị được đưa ra bao gồm: hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol; bổ sung nhóm chất béo có lợi như tăng cường ăn cá trích, cá hồi, và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương giàu omega 3-6-9; tăng cường rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, ăn thịt nạc hoặc gia cầm không da.
Được xem là một thông tin quan trọng điểm nhấn trong chương trình, các chuyên gia cho biết, dưỡng chất Gamma-Oryzanol và Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt đã được khoa học chứng minh không những cung cấp chất béo có lợi cho cơ thể mà còn có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm.
Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, đơn giản, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol.
Ngoài ra, tham gia một số môn thể thao với cường độ vừa phải như đi bộ, bơi lội, đạp xe (thực hiện khoảng 150 phút mỗi tuần) cũng giúp tăng mức cholesterol tốt cho cơ thể bằng cách kích thích cơ thể di chuyển cholesterol xấu đến gan để đào thải.
Cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong máu vượt quá ngưỡng cần thiết sẽ làm lắng đọng các mảng lipid, tích tụ lâu ngày sẽ hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở thành mạch máu, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.
Trong hai nguồn sản sinh cholesterol cho cơ thể là nội sinh (do gan tự tổng hợp) và ngoại sinh (đến từ các thực phẩm), nguồn ngoại sinh hầu như là nơi khởi phát chính của tình trạng thừa cholesterol.